Tâm Sự Thứ Bảy (25): Biến cố trong đời

30 tháng 3, 2016 2 nhận xét

Có mấy ai có thể biết trước hoặc lường trước những sự việc trọng đại sẽ xảy ra trong đời?

Hiếm lắm, vì đời người có 'số' phải không các bạn? Tuy nhiên nếu như đó là những biến cố có-thể-biết-trước như người thân đang ốm nặng sắp mất, hay ta chuẩn bị bước vào phòng phẫu thuật, hoặc vài ngày trước khi ra toà v.v. thì thường tâm ta sẽ ra sao trong những lúc tiền-chuẩn-bị ấy nhỉ?

Tâm ta sẽ ở trạng thái...lên xuống dữ dội nhất, thật đấy! Nếu mà có máy đo được biểu đồ của tâm con người thì ta sẽ thấy nó có thể nhảy vọt cao hơn cả một cầu thủ nhảy xà cao nhất, hay tốc hành hơn cả một mũi tên được bắn ra...Nó dao động chẳng có chu kỳ, chẳng có biên độ, còn hơn cả biểu đồ điện não của người bệnh, hay điện tâm đồ ECG…Khó cho ta là ta chẳng thể nhìn thấy nó, nhưng ta lại cảm nhận nó thật vô cùng rõ ràng ở đây, bên trong ta. Phải một thời gian sau, ta, hoặc bằng cách này hay cách khác (có khi do tự mình nỗ lực, có khi phải nhờ trợ lực bên ngoài, hay một sự bấu víu nào đó) mới có thể trở lại trạng thái cân bằng được.

Thì cũng là rất bình thường thôi (chẳng bất thường đâu, trong thân ngũ uẩn này!). Nhưng, sao nhiều khi ta lại cứ muốn 'nó' đến bất ngờ cho mình khỏi phải mệt mỏi chuẩn bị. Vì có thời gian nào khổ sở bằng thời gian chờ đợi một sự kiện đau buồn được báo trước phải không? Con người thường mâu thuẫn lắm. Bất ngờ thì lại chép miệng: “Giá mà được báo trước thì có phải tốt  hơn không!”. Còn được biết trước thì: “Trời ơi, tôi phải làm sao đây, sao lại phũ phàng thế này nhỉ, tại sao lại là tôi chứ?”

Trong Thiền có rất nhiều điển tích về những trường hợp như vậy. Ngay Đức Phật, khi biết trước ngày mình sắp nhập Niết Bàn, Ngài họp các đệ tử để báo tin và căn dặn. Vậy mà Ananda, người đệ tử thân cận nhất khi nghe tin liền khóc sướt mướt, nói: “Đức Như Lai đi rồi thì..còn ai hướng dẫn cho con đạt đạo giải thoát đây?”. A, hoá ra Ananda cũng vì.. Ananda chứ…chẳng phải vì Đức Phật. Vì Đức Phật đã biết rõ có sinh khắc có tử, cuộc sống là vô thường, luôn đổi thay, chẳng thể níu giữ được gì. Chỉ có Ananda cho đến khi Đức Phật nhập diệt vẫn chưa đắc đạo như các đại đệ tử khác nên lo lắng cho chính mình mà thôi!

Hầu hết chúng ta cũng giống Ananda. Trước những biến cố lớn mà tưởng chừng đang xảy ra với người khác (nhất là người thân, bạn quý) ta thường lo cho chính cho mình nhiều hơn. Nói thế mọi người đừng buồn nhé! Đó là sự thật đấy, vì ta đâu có biết ‘ra đi’ nghĩa là sao đâu? Ta đâu có biết ‘bên kia cửa Tử’ là gì đâu, và ta cũng có hiểu cặn kẽ 'luật nhân quả' là như thế nào để mà lo 'cho họ' được, nhiều khi lại làm hỏng chuyện, lại níu kéo khiến họ không siêu thoát được có phải mắc trọng tội không?

Thực sự trước biến cố lớn, phần nhiều ta thường hay lo mất đi những gì đã quá gần gũi với ta thì đúng hơn. Ta sợ sự trống vắng khi không còn họ ở bên ta. Ta càng yêu thương thì sự mất mát, chia lìa càng sâu sắc, càng làm cho ta đau xót nặng nề. Đau xót mà không biết quy luật của cuộc sống: có sinh thì có diệt; có lão thì có tử. Sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường của cuộc sống. 

Trong cuốn 'Nghệ Thuật Của Hạnh Phúc' (The Art of Happiness) của đức Đạt Lai Lạt Ma có một chương viết về 'Tìm ý nghĩa của nỗi đau và sự khốn khổ', (Finding The Meaning of Pain & suffering) ông đã 'bật mí' một 'bí kíp' rất đáng xem xét để thực hiện trong những hoàn cảnh như vậy. Bí kíp này chẳng lạ gì với những người tu theo Mật Tông Tây Tạng, có tên là Tong - len. Có nghĩa là 'Hãy tưởng tưởng bằng nỗi đau này ta nhận lãnh hết về ta, thay cho các chúng sinh khác cũng mang nỗi đau giống ta. Hãy mong cầu rằng thông qua việc chịu đựng này của thân xác ta, tất cả các chúng sinh sẽ không còn bệnh tật giống vậy, sẽ không phải trải qua đớn đau nào nữa! Nguyện mang tất cả công đức này, hay tất cả những gì tốt đẹp nhất mà ta đang có được chuyển hết cho họ!'

Thật là một nghĩa cử tuyệt vời phải không bạn? Nhưng chắc rằng bạn sẽ nói đó là 'nghĩa cử' của người có Đạo, hoặc đang tu phải không? Còn người bình thường thì sao? Nếu ai sắp ly hôn mà cũng nghĩ được rằng "hãy chuyển hết cho con nỗi khốn khổ của người kia (chồng/vợ mình) cũng như những ai đang khổ sở trong ly hôn, con xin nguyện mang đến cho họ những gì tốt đẹp nhất" thì.. có khi chẳng còn ly hôn nữa, lại.. tái hôn hạnh phúc hơn ấy chứ! 

Ít ra thì cũng có nhiều người Tây Tạng đã thực hành thành công phương pháp này. À ha, cơ hội  cho ta lại được nhiều hơn 50% rồi đây! Vậy sao ta chẳng thử một lần thử xem lời nói ấy, bí kíp ấy có thực là .. 'bí kíp' giúp cho ta vượt qua sự khổ đau đang mang trong tâm hay không? Tốt thì hẳn nhẽ, còn tệ lắm thì ta cũng được một lần thanh thản, bình an để...làm một hạt nắng, một hại mưa, một ngọn gió, hay một đám mây bồng bềnh... Có gì đâu để mà mất...phải không?

BH. 19/6/2012

2 nhận xét:

  • Như Hải nói...

    Trưa nay bố của một người đồng nghiệp vừa ra đi. Cậu bé đã sống trong sự chờ đợi biến cố đau buồn này 1 tuần nay. Thôi, cũng đã xong một kiếp người. Tuần sau có một người sẽ vào phòng phẫu thuật. Hy vọng Tong-len sẽ giúp cho ca mổ thành công, nếu không cũng sẽ có một tia nắng được thắp lên, một giọt mưa sẽ rơi xuống hôm sau...

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB