“Đời người đã định không thể bẻ cong… quan tài nên mỏng thì không thể dày!”

1 tháng 10, 2016 0 nhận xét




Người xưa có câu: “Trong số mệnh có thì ắt sẽ có, trong số mệnh không có thì đừng cưỡng cầu”. Nếu như thật sự có số mệnh thì những mưu cầu của bản thân chạy theo công danh lợi lộc có còn ý nghĩa?
“Trong số mệnh có thì ắt sẽ có, trong số mệnh không có thì đừng cưỡng cầu” – Có nhiều người cảm thấy đây là lời mà những người thất bại dùng để giả vờ “nhìn thoáng”, nhưng thực chất chỉ là tự an ủi bản thân. Có phải là bởi vì họ chán nản rồi cho nên họ mới “chấp nhận số mệnh”không? Điều đó là một câu hỏi mà có lẽ chúng ta cần rất cởi mở. Số mệnh có hay không? Dù có hay không thì người ta vẫn cần mở lòng để sống, để không chạy theo “độ dày” của một cái quan tài…
Trong sách “Tử Bất Ngữ” (Tạm dịch nghĩa là: “Những điều Khổng Tử không nói”) của Viên Mai thời nhà Thanh có bài thơ rằng:
Nhân sinh mệnh định, ảo bất đắc,
Hiềm bần ái phú, sử bất đắc,
Tham tang uổng pháp, tố bất đắc,
Biệt nhân thê nữ, dâm bất đắc
Táng quan cai bạc, hậu bất đắc!
Tạm diễn nghĩa là:
Đời người đã định không thể bẻ cong,
Chê nghèo thích giàu cũng vô dụng,
Ăn tiền phạm pháp không thể làm,
Vợ của người khác đừng bừa bãi
Quan tài nên mỏng thì không thể dày!
Trong đó, câu “Quan tài nên mỏng thì không thể dày” ứng với câu chuyện của một ông già làm nghề giúp việc ở Đài Châu. Chuyện kể rằng:
Trước đây, ở Đài Châu có một gia tộc lớn họ Trương, trong nhà họ có một người làm đã hơn sáu mươi rồi mà không có con cái. Ông già muốn chuẩn bị cho việc hậu sự của mình trước, nên đã chuẩn bị một chiếc quan tài. Thế nhưng ông cho rằng lớp gỗ của quan tài quá mỏng nên rất không hài lòng. Ông nghĩ ra một mẹo: nghe ngóng để ý xem nhà nào có tang nhưng do ngày tang quá gấp, không kịp làm quan tài. Gặp lúc đó, ông sẽ đưa chiếc quan tài của ông cho họ. Tuy nhiên ông có một yêu cầu rằng: Khi trả lại quan tài thì phải làm cho nó dày lên một lớp xem như lấy lời.
Qua nhiều năm, quan tài liên tục được cho mượn, dần dần dày lên. Khi chiếc quan tài đã dày chín tấc, thì ông ta cảm thấy rất hài lòng. Rồi ông để chiếc quan tài ở hiên nhà chủ, chuẩn bị dùng trong tang lễ của mình…
Một đêm nọ, nhà hàng xóm bỗng phát cháy. Những người gần đó đều hoảng hốt chạy cả ra ngoài thì phát hiện ra một việc kỳ lạ: Trên mái nhà họ Trương có một người áo đen, trên tay có cầm lá cờ đỏ, đang múa cờ, cờ đỏ bay về hướng nào thì ngọn lửa lan sang hướng đó… Nhà họ Trương không bị bất cứ thiệt hại nào, chỉ có hiên nhà là bị lửa thiêu rụi.
Lúc này ông lão gia nô rất lo lắng! Vội vàng đi vào khiêng quan tài ra. Thế nhưng quan tài đã bị lửa thiêu, nên ông phải lập tức đẩy quan tài vào nước. Sau khi mọi người dập lửa xong thì quay qua vớt quan tài lên trên bờ giùm ông lão. Chiếc quan tài sau khi cạo lớp cháy đi thì vẫn còn sử dụng được. Nhưng điều kỳ lạ là độ dày của lớp gỗ quan tài lại trở về như ban đầu. Ông lão gia nô bao nhiêu lâu nay làm dày quan tài cuối cùng đều trở thành phí công.
Vậy nên người ta mới kháo nhau rằng: “Quan tài nên mỏng thì không thể dày”

Muốn học đạo đối nhân xử thế thì bốn chủng tâm sau cần phải bỏ

Số mệnh mặc dù có thực hay không, thì con người ta cuối cùng cũng thật đáng thương vậy. Ông lão chỉ vì độ dày của cái quan tài mà chịu bỏ bao nhiêu cực khổ công sức, cuối cùng khi chết cũng chẳng thể mang theo. Con người chúng ta cũng vậy, vì vinh hoa phú quý, vì danh tiếng bản thân, vì những truy cầu “tưởng chừng có ý nghĩa” mà cực khổ một đời. Khi đi đến cuối chặng đường, giật mình nhìn lại mới thấy lãng phí vô ích, mới thấy muốn tìm kiếm chân lý của cuộc đời thì đã không còn kịp nữa.
ST

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB