Tâm Sự Thứ Bảy (128): Sự Tử Tế

15 tháng 10, 2016 0 nhận xét
Hôm nay đọc được một status trên FB của một bạn trẻ, bạn ấy nói về một thực trạng hiện nay ở Việt Nam. Nguyên văn như sau:

Nếu bạn thuộc thu nhập class AB and plus, khả năng cao bạn được nhận trung bình 10-30 tin nhắn và 5-10 cuộc gọi, tememarketing, mỗi ngày. Nếu bạn thuộc thu nhập class AB and plus, bạn phần lớn sẽ là người bận rộn, thời gian là vàng. Và bạn có đủ lý do để phản ứng từ lạnh lùng như cây tùng đến cau có như con ó, lỡ gặp phải 'bọn bán hàng'.
45% sinh viên tốt nghiệp ĐH không có việc phù hợp. Chưa tính hàng loạt không đếm xuể CĐ và CĐ dạy nghề. Họ có 2 lựa chọn, chờ và bất đắc chí và ăn bám cho tới ngày có công việc đúng ý. Hoặc làm những gì có thể, để tự lập trong khi vẫn tìm tòi / chờ cơ hội của mình. Một trong những cuộc gọi của 'bọn bán hàng' hôm nay mà bạn nhận được, và nhanh chóng lẫn lạnh lùng chào tạm biệt rồi cúp máy ngay và luôn, có thể đến từ những bạn trẻ đang chọn lựa chọn thứ hai.
Bạn và tôi không cần 'mua hàng', nhưng có lẽ chỉ cần nhận biết rằng cái giọng rụt rè hoặc vui vẻ đầu bên kia, là của một người trẻ, tử tế, đang nỗ lực. Chỉ cần vậy thôi.”

Thực sự status này đã khiến mình phải dừng lại và suy nghĩ. Bởi vì đúng là mình đang nằm trong số bị ‘bọn bán hàng’ nhiễu sách hàng ngày. Mỗi ngày không dưới 10 tin nhắn trong điện thoại và khoảng 20 tin trong email mời chào mua BDS, bảo hiểm, tham gia diễn đàn này nọ. Và mình cảm thấy phiền lòng đến mức đã để chế độ trả lời tự động, hoặc sau câu alo là mình trả lời như một cái máy: ‘Cám ơn em, nhưng chị không có nhu cầu’ rồi cúp. Mình không cảm thấy có lỗi và không hề bận tâm cho đến khi đọc status này. Hẳn là bạn ấy đã suy nghĩ tử tế hơn mình, thấu đáo hơn mình rất nhiều.

Rồi mình nghĩ rộng ra. Đúng là mình cũng có một đội ngũ phải gọi điện thoại đặt cuộc hẹn cho các cuộc nghiên cứu. So với ‘ bọn bán hàng’ thì mục đích của nhân việc gọi đt của mình cũng chẳng khác là bao: Phải gọi đến cho 1 người lạ, dùng khả năng của mình thuyết phục họ cho gặp để phỏng vấn. Hầu hết họ ở vị trí cấp cao. Nếu họ cho gặp thì tốt, mà không thì sẽ bị sếp trực tiếp la là không hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ có điều mình không là sếp trực tiếp của các bạn ấy nên lâu rồi đâu có biết tụi nó bị la hay không. Càng ngày càng khó hơn khi xin cuộc hẹn như vậy, cũng như các em này càng ngày càng khó hơn khi thuyết phục mua BDS chỉ qua 1 cú điện thoại mà những người như mình chỉ từ chối 1 câu gọn lỏn.

Khi là sếp, ta thường chỉ quan tâm có đạt hay không kết quả. Khi là khách hàng được gọi tới ‘năn nỉ’, ta chỉ quan tâm họ làm phiền mình hay không. Trong khi ta không đặt vào vị trí của họ, các bạn trẻ mưu sinh bằng công việc gọi điện thoại này, hoặc dành cho họ một sự khích lệ, chí ít một sự đồng cảm hay chia sẻ, dù rằng mình cũng không thể giúp mua/bán như các bạn ấy mong mỏi.

Tuần vừa rồi mình nhận ba nhân viên mới. Hai trong số họ vừa học ở Mỹ và Anh có bằng MBA. Vậy mà khi hỏi lương em muốn bao nhiêu, 1 bạn nói rằng: “Em chỉ cần thực tập không ăn lương 2 tháng để lấy kinh nghiệm”, và một bạn khác thì thật thà bảo:” khoảng 6 tr-6tr500/tháng cho khởi điểm là Ok ạ”. Thực sự là mình bàng hoàng, vì mức lương yêu cầu ấy quá thấp so với khả năng và bằng cấp của các bạn ấy, chỉ ngang bằng mức của người thấp nhất vp mình không có bằng cấp gì. Chả nhẽ giờ đây số du học sinh gặp phải khó khăn tìm việc làm nhiều đến thế sao? Cuối cùng mình quyết định nhận cả 3 người mặc dù nhu cầu chỉ cần 1, nhất là sau khi nghe nói “5 tháng nay em tìm không được một việc làm nào… ”.

Mình thường vẫn tin mình là một sếp tử tế, nhưng khi đọc status của bạn gái kia lại thấy mình chả tử tế là bao. Vẫn phân biệt đối xử đấy thôi. Nhân viên của mình thì mình tử tế, nhân viên của họ mình đâu có quan tâm, phải không?

Thế mới thấy sự vi tế trong hai chữ Tử Tế thật khó khăn, khó thấy, khó lấy ra làm chuẩn mực. Cố gắng làm một người tử tế thì vẫn là chưa tử tế. Sự tử tế phải đến một cách tự nhiên mới là sự tử tế thực sự.

Lại nữa, đôi khi sự tử tế được thể hiện để tăng thêm một phẩm hạnh hay giá trị nào đó của con người mà mình ‘muốn đạt đến, muốn có, muốn được công nhận’. Vậy thì thực tế, sự tử tế ấy vẫn xuất phát từ bản ngã, từ cái TÔI to đùng của chính mình mà thôi.

Trong hình trên đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng: " Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là sự tử tế". Thực sự là vậy, không có gì hơn. Nhưng thấy ra được mà thực hành được lại cần sự tỉnh thức từng giờ (mindfulness). Điều ấy thì không hề đơn giản. 

Chúc cho cả nhà một weekend vui vẻ và ấm áp!

SG mùa mưa gió và lũ lụt.
BH 15/10/2016

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB