1. Để mọi việc xuôi như nước chảy
Nước là vật chất không sở hữu hình dáng cố định, cứ thuận thế, thuận dòng mà lưu chuyển. Thế nhưng, cổ nhân cũng có câu núi không cản nổi nước, nước chảy đá mòn.
Bởi vậy, người Trung Quốc tin rằng, cư xử nhu hòa, thuận thế thời giống dòng nước thì tất cả mọi việc sẽ hanh thông, được như ý nguyện. Tất cả những điều ấy được gói gọn trong quan niệm “không tranh giành”.
Không tranh giành khác với thái độ không cầu tiến. Bởi việc hạn chế tranh giành bày tỏ tấm lòng tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh phá vỡ thế cân bằng của vạn sự, vạn vật, không vì cái nhỏ mà đánh mất cái lớn, càng không vì dòng đời vạn biến mà đánh mất bản thân.
Hành sự cũng không nên gấp gáp, bởi có câu “dục tốc bất đạt”. Trước khi làm bất kỳ một việc gì, bạn cũng nên cân nhắc thật kỹ, sau đó định ra kế hoạch rồi cẩn trọng thực hiện từng bước một.
Cách hành sự ấy cũng giống như dòng nước, chầm chậm chảy xuôi, không phân sau trước, không lấy làm gấp gáp.
Lại nói, nước chảy nhỏ thì dòng chảy ắt sẽ dài, tới một ngày nhất định sẽ tụ thành dòng lớn. Bởi vậy, người càng muốn giỏi giang, càng phải học được sự khiêm nhường, càng cần rèn luyện thái độ “không tranh giành” thì mới mong có ngày vươn lên.
2. Kẻ tham lam vô độ sẽ đánh mất nhiều cơ hội trong đời
Một người nếu mang trong mình tham vọng quá lớn thì chẳng mấy chốc sẽ đánh mất trí tuệ cùng thiên lương. Vậy nên người xưa mới quan niệm: “Mê muội đánh mất lý trí, tham dục khiến bản thân lụn bại”.
Ở trên đời, phàm là kẻ hám tài, tham quyền, háo sắc, chẳng có người nào giữ lại được lý trí, mà một khi lý trí đã không còn, thì ngay tới tính mạng cũng mong manh như “chỉ mành treo chuông”.
Không biết trân trọng những gì mình đang có, không chịu tu dưỡng, không học cách kiểm soát dục vọng… đều là những con đường ngắn nhất đẩy chúng ta vào cảnh hiểm nguy.
Nên nhớ, người không có khả năng tự chủ thì không có đủ tư cách bàn đến chuyện nhân sinh.
3. Quân tử hiểu mệnh chứ không xem mệnh
Vạn vật trên thế gian có thời, có vận, có thế.
“Thời” tức là thời cơ. Có thiên thời mà vận số chưa tới thì cũng khó tránh khỏi thất bại.
“Vận” là sự hòa hợp giữa thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ba thứ này chưa hợp, vận tự nhiên sẽ không luân chuyển, số mệnh con người cũng vì thế mà gặp nguy.
“Thế” nghĩa là tiềm lực. Tiềm lực càng lớn, năng lượng càng nhiều. Tiềm lực mạnh thì sức lực của ta chẳng khác nào thác đổ.
Ba thứ trên hợp lại, mới tạo thành một chữ “mệnh”.
Khổng Tử nói: “Người không hiểu mệnh, không được coi là quân tử”.
Hiểu mệnh trước nhất là phải biết “mệnh của mình”, tức là phải biết làm thế nào để lập thân, xử thế trên cõi đời này.
Sau đó là phải hiểu được “mệnh trời”. Sau khi đã trải qua những dâu bể cuộc đời, cảm ngộ được cái “đại thiên địa tự nhiên”, từ đó thấm nhuần triết lý “thuận thiên ứng mệnh”.
Một người sau khi đã hiểu mệnh, trong lòng tự nhiên sẽ chẳng còn nghi ngờ, có thể thản nhiên đón nhận tất cả, càng không cần “đoán mò” vận mệnh.
4. Con người có ngàn vạn mưu tính, trời chỉ có một
Trong lòng mỗi người đều có không ít tính toán, mưu toan vì lợi ích của bản thân hoặc của những người khác.
Tính trăm tính ngàn, tính tới tính lui, nhưng đôi khi người ta vẫn không khỏi ngao ngán ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Người tính không bằng trời tính!”
Nhưng kỳ thực, thứ gọi là “trời tính” lại chỉ gói gọn trong một chữ của mỗi người. Đó chính là chữ “đức”. Mỗi một hành động hướng thiện, tích đức đều giúp bản thân tăng thêm phúc khí.
Người thiện lương thường chấp nhận thua thiệt, nhưng ông trời lại không để họ bị ức hiếp. Kẻ ác độc khiến thiên hạ đều sợ, nhưng ông trời cũng nào để chúng tác oai tác quái lâu dài.
Mang trong mình thiện tâm, trời cao sẽ “phù hộ”. Người trung hậu tất có được “phúc báo”. Vậy mới nói, thay vì tính toán trăm phương ngàn kế, chi bằng hành thiện tích đức có phải tốt hơn không?
ST
0 nhận xét:
Đăng nhận xét