Tâm Sự Thứ Bảy (81): Nhà Triết Học, Nhà Xã Hội Học và Thầy Tu

30 tháng 4, 2015 2 nhận xét



Có 3 người bạn rất thân từ thời đi học. Ngày bé hai trong số họ còn viết chung nhau một cuốn truyện, say sưa thả hồn mơ mộng vào một tương lai. Khi ấy một đứa sẽ là nhà bác học, đứa sẽ là kỹ sư nổi tiếng, thay đổi cả thế giới này vì những phát minh độc đáo.

Thế rồi cả 3 đều nhận học bổng đi học nước ngoài. Kẻ ở Nga, người ở Đức, đứa còn lại đi Ba Lan. Thời gian vẫn chẳng thay đổi được những mơ ước từ thủa bé. Họ vẫn lớn lên, đồng hành với những ước mơ bỏng cháy, vượt ra khỏi khuôn khổ bình thường và chính những lo toan tầm thường của cuộc sống.

Nhưng, cuộc sống luôn là những bất ngờ. Những ngã rẻ luôn xuất hiện trên chính con đường đang bước tới. Sau bao nhiêu năm gặp lại, giờ tóc đã muối sương. Kẻ đạt được ước nguyện từ tấm bé (bằng một quốc tịch mới, tấm bằng tiến sĩ của ngành học ưa thích); Kẻ rời bỏ chính trường để lặng lẽ viết những bài báo sắc xảo chỉ để được nói ra những gì muốn nói (không phải nói những gì người khác nói); Còn một kẻ thì bỏ ngang chương trỉnh tiến sĩ khoa học, lặng lẽ ẩn dật trong trầm lắng của Đạo Phật chỉ chờ chiếc áo choàng vàng để trở thành thầy tu thực thụ.

Kẻ ngày xưa không học chính trị, hay xã hội thì đang đăng đàn sắc sảo, tạo thành một làn sóng mạnh mẽ xung quanh mình với những bài báo ‘thép’ về những lề thói của xã hội. Nào là mại dâm, hút sách, tham nhũng, đạo đức, dân trí… chả thiếu mảng 'hot' nào mà không có bài. Còn một người được đào tạo bài bản để trở thành nhà ngoại gia, một chính trị gia thì lặng lẽ nghiên cứu Triết học như là một sự say mê duy nhất của cuộc đời, để cắt nghĩa tất cả những gì xảy ra với những lôgic, tư duy biện chứng. Người bạn cuối cùng thì chỉ còn một bước xuống tóc, âm thầm dõi theo thế sự, như kẻ đứng bên ngoài lề. Cả 3 đều ở giữa dòng đời, nhưng không bao giờ đi theo số đông. Họ dù khác nhau nhưng vẫn cùng có một điều thật giống nhau, đó là sự đi ngược lại dòng chảy của cuộc sống, khác với đám đông ồn ào ngoài kia.

Một ngày, thầy tu gặp nhà xã hội học và triết gia. Thầy bắt đầu nói về sự ‘vô thường’ chính là nguyên nhân khiến thầy không còn thiết đến những đam mê trần tục. Nhưng cũng chính do vô thường mà thấy yêu cuộc đời và yêu con người nhiều hơn, trân trọng những gì đi, đến. Nhà xã hội học thì gật gù về  việc được nói tiếng nói của mình, cho chính mình và cho xã hội, không né tránh, không chụp mũ, và ước ao một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, văn minh hơn. Nhà triết gia thì hài lòng vì có lẽ mình là nhà 'mác xít le nin nit' duy nhất còn sót lại trên thế gian này, và tin rằng việc phát triển của xã hội hiện nay là tất yếu để đi đến một thể chế mới tốt đẹp hơn.

Thế rồi, họ đều mơ về những gì tốt đẹp sẽ xảy ra trong tương lai. Còn chuyện gì xảy ra với cuộc sống hiện tại ư, họ không cần biết. Những người vợ của họ ra khỏi nhà để tránh đụng chạm, hoặc than trách họ ‘ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng’, hay lặng im cam chịu số phận mà cuộc đời mang đến. Rồi cơm, áo, gạo, tiền, con cái, nhà cửa việc làm....Cuộc sống hiện tại của họ vẫn hiển hiện, đầy ắp những lo toan. 

Cuối cùng thì sao? Thầy tu chưa tu hết kiếp nên vẫn phải trở lại đời mà tu tiếp kiếp này. Nhà triết gia vẫn phải vào bếp nấu cơm và đưa đón con tới trường. Nhà xã hội học vẫn phải cất căn nhà nhỏ bên sông, cầm cự nắng mưa khi đã thôi việc để dành thời gian ‘tranh đấu’ cho xã hội. Mà xã hội này, cuộc sống này, dòng chảy này vẫn cứ trôi mặc cho những gì đến đi, dù họ muốn hay không.

Cuộc sống luôn vậy, chẳng ai giải nghĩa được. Ngay chính cả họ cũng không thể hiểu được chuyện gì sẽ xảy ra trên con đường mang tên Cuộc Sống này, và liệu có còn lối rẽ nào chờ đón họ ở phía trước? 

BH. 2012

2 nhận xét:

  • Như Hải nói...

    Mình viết bài này đã lâu, nhưng không đăng vì ...sợ đụng chạm. Bởi, tất cả các bài Tâm Sự Thứ Bảy trong blog này đều là những câu chuyện có thật. Hôm nay tình cờ dọn dẹp máy tính, thấy bài này, nhân 30/4 đăng cho mọi người cùng suy ngẫm, nhất là ba người bạn trong bài viết. Biết đâu, tình cờ họ đọc được có khi lại thấy ra gì đó... Từ bấy đến nay, nhiều sự đã thay đổi, ba người bạn ấy đang thay đổi, và hy vọng sự thay đổi ấy tốt hơn lên nhiều cho bản thân và gia đình của họ.

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB