Tâm sự Thứ Bảy (96): Đi và Thấy

23 tháng 11, 2015 1 nhận xét
Những sân bay giống như những ngôi nhà chung, mà ở nơi đó có các sắc tộc màu da với những thói quen, tập tục khá khác nhau.

Ở các sân bay Châu Á, con người đi lại vội vã. Ai cũng chăm chăm điện thoại hoặc laptop, ipad, trong khi ở các sân bay châu Âu hình như cuộc sống thư thái hơn, rất hiếm thấy các laptop được sử dụng, thay vào đó là thói quen đọc sách. Người châu Âu có vẻ thảnh thơi, đi lại cũng chậm rãi hơn và đọc sách giấy nhiều hơn. Họ không ồn ào và nói to như người châu Á. Họ sống có vẻ khép kín, yên lặng và lịch thiệp.

Ở Mỹ hay châu Úc, người đi lại cũng vội vã chả kém châu Á, luôn tỏ ra bận rộn. Người Mỹ khá nhiệt tình, luôn chào hỏi và mỉm cười ‘ngoại giao’, nhưng hình như trên khuôn mặt không giấu khỏi sự mệt mỏi, stress. Còn trên đường ở Sydney, cứ 10 người đi ngang qua thì có đến 5 hay 6 người đeo tai nghe nhạc hoặc dây nghe điện thoại. 

Nếu nói về độ rộng, thì có lẽ sân bay Charles De Gaulle của Pháp ( ảnh bên), hay Los Angeles (ảnh dưới), New York City, của Mỹ , Madrid của TBN, Getwick của Anh Quốc là loại lớn nhất, nhiều tầng, nhiều cửa phải dùng xe điện chạy giữa các cửa mới kịp. Ở Mỹ, bạn luôn phải ra sb trước từ 3-4 tiếng, vì sắp hàng dài dằng dặc, các cửa xa kinh khủng, phải chạy bộ, rồi chuyển tàu, rồi chạy bộ trong sân bay may ra mới kịp. Vì vậy, khi đi lại ở nước ngoài nên mang vác nhẹ nhàng, tốt nhất là va ly 4 bánh.

Các sân bay ở châu Á hay ‘thả’ thiên nhiên vào bên trong. Điển hình là Changi (Singapore - ảnh dưới) Kualar Lumpur (Mã Lai) luôn có 1 mảng xanh như rừng nhiệt đới giữa sân bay, khiến cho người qua lại có cảm giác thân thiện, gần gũi với thiên nhiên hơn. Changi được đánh giá là sân bay tốt nhất thế giới, không phải vì rộng rãi mà vì dịch vụ. Ở đây bạn có thể bơi lội, mát xa, tắm rửa.. hoặc ngủ 1 vài tiếng trong khách sạn mini giữa 2 chuyến bay.


Các chuyến bay của hãng HK nhà nước được gọi là dịch vụ tốt luôn phải có thêm 1 bộ túi cho hành khách trong đó bao gồm 1 đôi dép đi trên máy bay, bịt mắt (tránh ánh sáng), bông gòn lỗ tai, tất chân và bàn chải kem đánh rằng. Khoản này thì Turkish Airlines là đầy đủ nhất, hơn cả Singapore Airlines. VNA chắc còn phải học họ dài dài.

Đừng nghĩ là sân bay Campuchia tệ nhé. Sân bay của Cambodia khá hay, mặc dù nhỏ hơn sb QT của Nội Bài nhiều. Ít nhất thiết kế của họ cũng xinh xắn, mang phong cách Khmer không trộn lẫn với những mái vòm xinh xinh của Phật Giáo Therevada (trong ảnh). Mình đã từng thử mat-xa chân 15 phút khi đợi máy bay ở Phnong Penh. Thú thật, chả.. thích tẹo nào, nhưng mà ít ra họ cũng có dịch vụ này mà ở sb VN còn chưa có.

Người châu Á có lẽ ‘khổ’ hơn người châu Âu,  vì chịu đựng lạnh kém hơn. Trên máy bay bao nhiêu chăn thì người châu Á quấn kín mít mà vẫn ‘sụt sịt’, trong khi người Âu mặc cộc tay đi qua đi lại giữa 10-11oC. Ăn uống cũng vậy, người Á thích ăn cơm, người Âu thích ăn bánh mỳ, khoai tây. Người Trung Đông, Ấn Độ thì thích ăn càri, hay sa-tế. Mùi vị đồ ăn cũng vì thế mà khác nhau, nhưng nhờ thế có nhiều lựa chọn cho mọi người.

Người Á hay tự.. làm khổ chính dân mình, trong việc kiểm soát gắt gao kg cước, trong khi thường dễ dàng ‘thả’ cho đám da trắng nếu quá ít kg. Phân biệt chủng tộc còn rõ ràng khi trên máy bay. Người Âu mà kêu một câu là lập tức đồ ăn được đổi ngay, trong khi người Á có lẽ cam chịu những gì họ đưa cho mình. Lại nữa, người Á không biết những điều tối thiểu dành cho mình như phụ nữ có thai, con nhỏ, người già nghiễm nhiên được lên trước hàng. Rất nhiều lần mình giục giã các bà mẹ trẻ bế con thơ lên trước mà họ cứ ngại nên đứng sắp hàng mặc cho con trẻ khóc hay khó chịu. Đấy, khổ thế, chỉ tại thiếu thông tin và cũng do thói quen Âu Á khác nhau nhiều quá.

Trong các sân bay, Úc gắt gao nhất về kiểm soát đồ đạc, nhất là đối với người châu Á vì họ luôn mang nhiều đồ ăn có mùi như ruốc, thịt, bánh...Sân bay ở Mỹ thì kiểm tra an ninh gắt gao nhất. Ở sân bay Los Angeles cảnh sát sân bay toàn tuyển loại bự con to trên 100 kg, dắt chó bec-ge to đùng đi săn. Thỉnh thoảng nó lại chồm lên 1 ai đó trong hàng xếp khiến mọi người cứ xám cả mặt lại. Chưa nói còn vài an ninh sân bay 'tâm lý chiến' tình cờ xuất hiện để hỏi 1 số câu trong khi sắp hàng làm cho ai mà yếu tim đủ sợ run lên. Riêng châu Âu còn nhiều lỗ hổng, dễ dàng qua (trừ sân bay Gatwick của Anh) thế nên ở Paris mới bị khủng bố dễ dàng thế. 

Mình viết vài dòng trong khi ngồi đợi máy bay tại sân bay Istabul của Thổ Nhĩ Kỳ nối chuyến đi Malaga công tác. Sân bay khá đẹp (ảnh bên) có hơn 500 cửa ra ở đây. Lớn ra phết, nhưng thiếu ghế ngồi, không như ở Charles De Gaulle, Paris có ghế da mềm cho cả ai muốn nằm dài ra cũng được. Ngoài ra ở đây cũng không có wifi miễn phí, chỉ có một vài quán bar trong sân bay offer thôi, thiếu chỗ cắm điện thoại, xạc máy tính. Bù lại đồ ăn ở đây khá rẻ và nhiều đồ quà tặng.

Mình chưa đi Nam Mỹ và châu Phi. Có gì Kiên đang ở Mexico cho thêm ít thông tin cho mọi người cùng tham khảo nhé!

Nice day to you all.

17.11. 2015
Admin

1 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB