Ngồi nhớ ân cần

29 tháng 11, 2015 10 nhận xét

Buổi sáng nọ, nơi góc đổ rác chung của cả khu nhà tự dưng xuất hiện một đôi giày cũ còn khá tốt. Giày được đặt trong một cái hộp với tờ giấy ghi chú, nét chữ nắn nót “đồ còn tốt, ai cần xin cứ tự nhiên”.
Việc đem bỏ đi đồ dùng còn xài tốt không lạ, nhưng cách nhường lại cho người khác sử dụng với tất cả sự ân cần là một cung cách đáng ngưỡng mộ. Đôi giày cũ khi đặt vào hộp, gửi tặng mơ hồ vào cõi nhân gian, được chủ nhân ân cần đi đánh xi lại, mới và đẹp, ai nhìn cũng thú vị.
Vậy mà mấy ngày sau mới có một người làm nghề đổ rác đến lấy, rồi để lại chữ “cám ơn”. Đôi giày nằm liên tục mấy ngày, vì những người trong khu nhà không ai muốn giành lấy phần của người có thể khó khăn hơn mình.
Thỉnh thoảng thấy trong đời có sự ân cần làm lay động, lại chợt nhớ Sài Gòn với tất cả không gian rất ân cần của nó, một không gian mà giờ đây nhắc lại như một thứ của quý, dư niệm của nhiều thế hệ...
Sài Gòn ân cần trong trí nhớ đơn giản lạ. Đôi khi chỉ là chuyện người qua đường trú mưa được chủ nhà mời vào ngồi vì sợ kẻ lạ bị ướt. Đôi khi vì một thùng trà đá để trước cửa để giúp bá tánh lỡ đường giải khát trưa hè. Có đi đến tận những thành phố, hỏi đường đi bị tính tiền, mới biết Sài Gòn đã từng ân cần thế nào.
Sài Gòn ân cần và vô tư đến mức từng thấy người say nắng ngất xỉu bên đường, không ai biết ai cứ xúm vô cạo gió, lấy thuốc cho uống để giúp khách qua đường có sức đi tiếp.
Mới hôm rồi, may mắn đọc được một câu chuyện của người Sài Gòn mà lòng mát dịu. Lại thấy thương người đất miền Nam không quen nói trôi chữ, chỉ có tấm lòng.
Một anh trên Facebook kể rằng anh đi làm thêm kiếm tiền đi học, chạy bàn rửa chén cho một đôi vợ chồng ở Sài Gòn. Một hôm lỡ tay làm bể hết nguyên chồng tô dĩa, anh lính quýnh không biết làm sao thì bất chợt bà chủ chạy vô nhìn thấy.
Bà sững người, chưa kịp la đã dặn, “nếu chồng cô có xuống thấy thì nói tại cô làm bể, chứ không ổng chửi chết”.
Vừa quay lưng thì ông chủ chạy từ trên lầu xuống, nhìn đống tô dĩa nát bấy mà thất thần, rồi dặn, “nếu vợ chú vô hỏi, thì nói chú làm bể nghe, chứ không bả chửi chết”.
Người làm công đó mang kỷ niệm ngọt ngào và xúc động đó kể lại trên nhật ký của mình, làm không biết bao người đọc rưng rưng, trìu mến.
Sự ân cần là cách mà con người thấu hiểu đời sống, đối đãi bằng lòng chân thành của mình.
(Sưu tầm)

10 nhận xét:

  • Vũ Trụ nói...

    Bài ST của H tuyệt hay. Tầm này năm ngoái ở SG, lạc đường sang nhà Xiện quá xa đến tận Đường Mai Chí Thọ bên kia sông SG, một chị Hai U60 chỉ dẫn quoẹ quoẹ cho T 2 lần hết gần 5' đồng hồ lối đi đến Nguyễn Hữu Cảnh nhà Xiện. Thật không hổ danh tiếng ân cần thơm thảo của người SG đối với tụi "đậu phộng" mới từ Bắc zô. Một lần nữa xin cảm ơn chị Hai ấy và những người SG như chị!

  • Như Hải nói...

    Người HN xưa cũng vậy Hà ơi. Mình còn nhớ hồi học thêm lớp 12, về khuya xe đạp hỏng, đường thì tối om om, vậy mà có chàng trai xịch xe đạp sửa lại giúp mình và ra đi không nhận 1 lời cám ơn, và cũng chả biết tên tuổi ở đâu mà cám ơn. Hic. Nhớ mãi cử chỉ đẹp ân cần của chàng trai thanh lịch HN.

  • Unknown nói...

    Ừa , đúng đấy , người trong đấy hiền hơn , mình tập tọe đi chợ trong đó nhiều , lớ ngớ cũng nhiều rùi nhưng ko thấy họ chửi nhiều như ở ngoài bắc .

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB