Hôm qua nhờ một
người quen giới thiệu mình được phỏng vấn một bác sưu tầm đồ gốm sứ cổ nổi tiếng
ở Sài Gòn. Chỉ định hỏi khoảng 30 phút mà không ngờ bác hưng phấn kể chuyện đến hai tiếng rưỡi đồng hồ. Bác chính là nhà
nghiên cứu văn hoá Huỳnh Công Trảng, tuổi ngoài 70, ở trong một ngôi biệt thự xây từ thời Pháp, nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Ngô Thời Nhiệm.
Ngoài việc nói
chuyện về các dòng gốm sứ nghệ thuật cũ, mới, cách thức nhận biết gốm sứ làng
nghề nào, đâu là loại thật, loại rởm, loại xốp, loại cứng.. rồi sang cả gốm sứ trang sức từ thời nhà
Lý, nhà Trần, câu chuyện vắt sang cả nền văn hoá Ta, Tầu, Tây.. đủ cả. Thế nào rồi chuyện lại được tiếp nối sang triết học Đông Phương, rồi Thần Học, Đạo Giáo, Khổng
Tử, Phật Giáo... Đụng vào đâu bác cũng giảng giải rành rẽ và vô cùng say sưa.
Đúng là gặp duyên tao ngộ! Ra về bác còn chụp chung tấm ảnh và tặng cả sách quý
(trong khi nghe nói ai muốn gặp bác có vẻ khó khăn lắm, chứ đừng nói ngồi cả buổi chiều).
Điều mà mình ấn tượng nhất ở nhà bác đó là 1 bức tượng gốm một phụ nữ xưa to gần bằng người
thật trong tư thế ngồi vắt vẻo, ngạo nghễ ngay trong phòng khách (một phần ở phía sau trong ảnh). Nghe
bác nói bức tượng này có giá đâu đó 20,000 USD nhưng bác không bán. Khi bước vào phòng khách, nhìn bức tượng ngồi
chễm chễ một chân co một chân duỗi, váy dài phủ kín chân khiến mình đã hơi..ngại. Ngại
vì cảm thấy như bức tượng có thần sắc của người thật. Cho đến cuối buổi nói
chuyện mình mới dám rón rén hỏi bác về bức tượng, bác mới cười ha hả mà rằng: “bức
tượng này có linh thật đấy. Bà nhà tôi và rất nhiều người nhà bảo là như có người ở trong đó ra vào”.
Đó chỉ là một
trong vô số tượng cổ của bộ sưu tập đồ sộ của bác. Bác có hết sức đầy đủ về các
loại tượng Phật, Thần Tài, Thổ Địa, đủ các chất liệu, đủ các nguồn gốc, từ
Trung Quốc, Campuchia, Thailand, cho đến các vùng, miền trong cả nước từ Bắc tới Nam. Nhiều nhất là gốm sứ Nam Bộ. Lần
đầu tiên mình được biết đến và được ngắm các tượng gốm đen của VN sản xuất mà bác cất cẩn thận trong
tủ.
Thế mà cuối cùng đọng lại trong mình không phải là kiến thức uyên bác về gốm sứ của bác, hay bộ sưu tập hoành tráng, mà là một câu chuyện nhỏ. Đó là câu chuyện về lời dặn dò của sư phụ của bác . Nôm na đó là: "Cuộc đời của con người ta giống như 1 chiếc bình chứa đầy chất bẩn tham
sân si. Nếu biết ‘súc bình’ thì ta sẽ đổ bớt được cặn bã bẩn thỉu ra khỏi bình, để có chỗ
chứa thêm những điều tốt đẹp mà ta đã làm được, hay tu tập tích đức mà có". 'Súc bình' chính là tu, là sống cả một kiếp người. Bản
thân sư phụ còn lắc đầu nói là ‘công cuộc súc bình gian nan lắm. Ngay cả sư đã có mấy chục năm tu hành đức độ mà vẫn cũng còn khoảng 30% bẩn' thì thấy người
bình thường sẽ phải phấn đấu nhiều thế nào!
Mình thì không muốn
ngắt mạch của bác về câu chuyện, nhưng chủ đề này thì mình đã từng tham gia tranh luận
rất nhiều lần và từ 2008, từ hồi mình sống ở chùa Cần Thơ. Câu hỏi vẫn là ‘tu là gì?’, câu trả lời hay gặp
nhất đó là ‘tu là sửa’. Gặp đâu sửa đó, thấy sai là sửa...Không sai phải không
bạn hả? Thế nhưng nhóm khác bao gồm Ni Khánh và Sư Nhiệm (mà vài bạn lớp mình
đã gặp ở HN) thì cho rằng ‘tu là bỏ’. Phải buông bỏ hết và ngay lập tức. Bỏ những thói quen, bỏ tham sân si, bỏ cả cuộc sống đời thường để mà ẩn tu... Nghe cái này
mình thấy rất hợp lý. Đúng quá, phải buông bỏ, chứ sửa thì đến khi nào.
Hic.
Cho đến khi gặp thầy Viên Minh, Thầy chỉ im lặng nói 1 câu:
‘Không bờ này bờ kia, chỉ ngay nơi thực tại
Tâm pháp chẳng ngăn chia, đến đi đều vô ngại’.
Mọi lý luận tranh
cãi rơi tõm hết. Và mình biết không nên tham gia vào bất kỳ tranh luận nào nữa, nhất
là về đạo. Mình chỉ im lặng nghe bác nói. Nhưng ra về thì hình ảnh ‘súc bình’ thật
sự khiến mình thật khó quên. Một hình ảnh đầy ấn tượng và ý nghĩa.
Đấy, mình cũng lan
man chẳng khác nào bác Trảng, từ gốm sang Đạo nhỉ. Hì hì. Chia sẻ với các bạn mấy
dòng. Chúc cho các 'bình' của lớp thật bình yên, và ngủ ngon!
BH. 9/9/2015
3 nhận xét:
Đang chóng cả mặt vì lắc.. à.. vì súc... bình!!!hehehe
Buông hay là sửa
Cũng chỉ mình thôi
Biết sửa cũng tốt
Buông - phải đợi thời...
Câu chuyện càng ngẫm càng hay Hoa ạ đúng là bọn mình cũng phải xúc bình thôi vì người trần tục vẫn còn tham sân si nhiều mà
Đăng nhận xét