Tâm Sự Thứ Bảy (111) : Di Chúc

25 tháng 5, 2016 4 nhận xét
Hôm qua mình nghe tin bố bạn T bị K máu. Hôm nay thì nghe tin em cậu bạn học cùng MGU (học múa ở Kiev ngày xưa) vừa bị tai nạn xe máy qua đời khi nó vừa cưới chồng 1 tháng trước. Rồi con một người bạn khác đi làm về khuya ở HN đâm phải công trình xây dựng giữa đường chết ngay tại chỗ...

Ngày trước chỉ là những tin tức tương tự nhưng của người lạ, qua báo đài. Càng ngày thì những tin ấy đến dần trong người quen, rồi người thân quanh mình. Sẽ có một ngày không xa, tin ấy xảy ra với bố/mẹ/anh/chị/em/vợ/chồng/con cái và chính bản thân mình. Tất cả đều sẽ đến, chỉ là nhanh hay chậm, bất ngờ hay được chuẩn bị trước mà thôi.

Tuần trước ba mình rơi vào khủng hoảng và mình phải ở bên cạnh ông suốt tối để nghe ông nói. Bởi vì theo ông: "...không nói ra sợ tối nay ngủ sẽ đi luôn, con ạ”. Một kiểu di nguyện, trăng trối trước lúc đi xa của một người đã bước qua tuổi 85 cũng là lẽ thường. Nhưng khi hỏi ông: ‘Ba có cần viết lại di chúc gì không?’ thì ông gạt đi. Ông bảo: “Không cần, tụi con muốn làm gì thì làm, vẫn còn thời gian mà...”.

Thường thì người Việt cũng như đại đa số người châu Á khác hay ngại hoặc tránh việc nói đến hai từ ‘di chúc’. Người được quyền làm điều đó thì nghĩ mình còn thời gian, hoặc sợ khi làm điều đó có có thể mang đến ‘điềm gở’ tự khiến ‘cái chết’ đến sớm với chính mình. Còn người được ‘di chúc’ thì tế nhị, ngại hỏi, cũng vì tránh cho ‘điềm gở’ không vận vào người thân của mình, hoặc sợ người khác đánh giá là ‘mình tham’, hay ‘có ý đồ gì đó’. Tóm lại là.. chỉ tại văn hoá và cách ứng xử, sự giáo dục của gia đình, xã hội nơi ta lớn lên khiến cho ta không biết cách đối mặt với vấn đề sao cho hợp tình hợp lý, 'giải quyết nó' một cách thế nào cho hiệu quả.

Trong một Tâm Sự Thứ Bảy nào đó mình đã viết về cô bạn khá thân của mình làm di chúc khi nó mới 26-27 tuổi. Di chúc được sửa lại nhiều lần, nhiều thời điểm trong đời nó: khi con sinh ra, khi ly thân, khi bệnh tật, khi đi thêm bước nữa, khi có thêm tài sản... Nó rất vui vẻ và mãn nguyện vì đã làm điều đó sớm. Vì theo nó là ‘hết sức công bằng’ cho những người ở lại, và nó, người ra đi không vướng bận gì. Có lẽ vậy, bởi nếu đột ngột mà chúng ta ra đi, thì có thể ta chưa kịp nói ra hết những gì mình muốn nói với một ai đó (lời yêu thương hoặc lời trách móc), có thể chưa kịp trao cho ai đó những kỷ vật còn giấu kín (có giá trị tinh thần nhiều hơn vật chất), hoặc chia cho con cháu/người thân tài sản mà mình cả đời tích góp không mang theo được.

Thiếu di chúc, con cháu sẽ tự làm điều đó, lẽ tất nhiên. Mà như vậy, cũng có khi gây mâu thuẫn sau khi ta ra đi. Đôi khi con cháu lại oán trách ta do đã không để lại di chúc rõ ràng. Như thế ta đi không thanh thản được. Thiếu di chúc, những gì chưa nói, chưa làm sẽ.. theo ta xuống mồ. Thế là ‘linh hồn’ ta lại quanh quẩn bám víu với những gì chưa trăng trối, chưa hoàn thành, khiến ta khó siêu thoát, ảnh hưởng cả kiếp sau. (Tất nhiên có di chúc mà ta thiên vị ai đó thì người khác cũng có thể oán ta chứ, nhưng ít ra lòng ta thanh thản đã nhỉ). Vậy thì làm di chúc có lợi hơn có hại chứ, phải không bạn hả?

Nhớ đến bà ngoại chồng, người mình rất ngưỡng mộ. Bà mất năm 92 tuổi. Khi còn sống, khoảng mươi năm trước khi mất, bà gọi con cháu lại (5 đứa) và tuyên bố rõ ràng rằng: toàn bộ tài sản bà chia thành 6 phần đều nhau. Mỗi đứa 1 phần, bà 1 phần. Phần của bà để dành nuôi bà cho đến chết. Đứa nào nuôi bà sẽ được hưởng phần đó. Không ai phàn nàn. Bà cũng hài lòng. 

Ngày bà mất, mọi người ngạc nhiên khi thấy bà chuẩn bị chu đáo: 1 lá thư ghi rõ ràng, rành mạch chỉ bảo toàn bộ về tang lễ của bà. Bà mặc áo nào, đi giày gì, khăn gì, mang theo sách gì, những thứ đó ở đâu... Bà dặn dò con cái vui vẻ khi bà đi vì bà toại nguyện không trách ai. Thế là đám tang diễn ra theo tôn chỉ của bà, rất đàng hoàng, không buồn khổ, não nề. Ai đến viếng cũng ngạc nhiên vì gia đình vui vẻ, chẳng có âu sầu khóc lóc. Nhờ thế Bà siêu thoát nhanh, chẳng báo mộng gì. 

Mình chưa làm di chúc. Hì. Nhưng có lẽ sẽ phải làm nay mai. Chả có gì để di chúc lại ngoài những kỷ vật nho nhỏ: những bức ảnh, những bài thơ, mấy cuốn nhật ký... mà đối với mình thì quan trọng hơn nhà cửa xe cộ, công ty. Tuy nhiên tài sản vật chất cũng phải di chúc vì bố mẹ vẫn còn sống. Theo nguyên tắc nếu không có di chúc, con cái chết trước thì tài sản sẽ chia 1 phần cho bố mẹ, cho con cái và chồng/vợ. Nếu bạn muốn di chúc khác đi thì hãy làm ngay đi nhé kẻo.. sau này không có cơ hội đâu! 

Chúng ta vừa bầu cử xong, ai cũng đã hoàn thành quyền công dân của dân tộc. Vậy ngại gì mà chúng ta không thực hiện cái quyền còn quan trọng hơn thế, duy nhất trong đời ta, có tầm ảnh hưởng cho cả kiếp này của ta và kiếp sau nữa ấy chứ! Di chúc cho dù không ra công chứng cũng có giá trị như ra công chứng sau khi bạn ra đi đấy nhé. 

Chúc cho bạn sớm lãnh hội được điều quan trọng ấy và cầm bút viết ra vài chữ cho tâm mình thanh thản. Bạn có thể tự đặt một cái tên khác đi cho đẹp đẽ, dễ nghe hơn, như ‘bản tình ca cuối cùng’, hay ‘những lời cuối dành cho người tôi yêu thương..’ thay vì hai từ khô khan ấy nhé. Hihi.

Nice week end cả nhà!
BH 25/5/2016

4 nhận xét:

  • Như Hải nói...

    Mình chưa đi mà cái N đã đòi di chúc lại cho nó mấy cái đồng hồ, cái G đã xí laptop để lên Phây cho lẹ, cái H thì đống giày túi da. Riêng Béo thì đòi .. 1 anh to đùng mà mình lại không sở hữu. Haha. Đấy, mới biết tụi nó 'thương' mình làm sao!!!

  • Hà "Béo" nói...

    Ha ha tao chưa đòi mày cái gì, mày tự nguyện cho tao cái anh đang ở cạnh mày mà tao từ chối luôn vì tao thì ăn thịt... anh ấy lại ăn chay... Ôi chao tao chỉ chỉ xin tất cả những gì còn lại sau khi N, G, TH đã lấy, được ko???

  • Như Hải nói...

    Nghiêu kia, cười cái gì, Béo nó từ chối a bên cạnh mình, nhưng lại đòi 1 anh to đùng ở trong lớp mình mà mình đâu sở hữu. Hihi.

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB