Trầm cảm là kết quả của việc thay đổi các hóa chất trong não, dẫn tới ảnh hưởng, thay đổi tâm trạng, suy nghĩ, hoạt động tình dục, ngủ, sự ngon miệng và mức năng lượng trong cơ thể.

Có thể nói trầm cảm là một trong những thách thức lớn của hôn nhân vì tất cả các yếu tố này có nguy cơ phá hủy hôn nhân, gia đình.
Điều cần thiết phải làm để duy trì hôn nhân là nhanh chóng nhận ra và có cách ứng xử đúng đắn, bản lĩnh với khó khăn này. Nói bản lĩnh là vì sống với người bạn đời bị trầm cảm, tâm trạng bất ổn, hay chỉ trích và có thái độ tiêu cực không dễ dàng, đặc biệt việc thuyết phục họ nhìn ra bệnh và chấp nhận chữa bệnh vô cùng khó.
Tạp chí Live Sciense đưa tám lời khuyên quý báu của bác sĩ tâm thần Jay Baer tại bệnh viện Phụ nữ Brigham (Mỹ) dành cho những người đang có bạn đời bị trầm cảm.
Cố gắng đứng cùng một đội với bạn đời
Kẻ thù ở đây là bệnh trầm cảm, không phải là người bạn đời bị trầm cảm. Hãy cùng sát cánh chiến đấu với trầm cảm thay vì để cho nó phá vỡ hôn nhân. Không bỏ mặc bạn đời, hãy làm mọi cách để họ cảm thấy tốt hơn. Đi dạo cùng nhau, đi cùng bạn đời trong mỗi cuộc hẹn với bác sĩ, nhớ kỹ lịch uống thuốc, điều trị của bạn đời.
Tỉnh táo và vững vàng trong cảm xúc
Bạn có thể sẽ có lúc cực kỳ giận dữ thậm chí oán hận khi sống cùng người bạn đời trầm cảm. Đó là khi họ lẩn tránh những trách nhiệm chung trong gia đình và xã hội, đặc biệt khi hai bạn đã mất đi sự thân mật và đời sống tình dục bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này không chỉ kéo rộng khoảng cách hai bạn, làm bạn tổn thương mà còn gây ra sự xấu hổ cho bạn đời, khiến họ lảng tránh hơn việc tìm kiếm chữa trị.
Nỗ lực thuyết phục bạn đời khám và chữa trị
Bạn đời trầm cảm của bạn sẽ có xu hướng không thừa nhận bệnh và trốn tránh chữa trị, do đó trách nhiệm đề ra kế hoạch chữa trị thường là thuộc về bạn, và bạn phải thuyết phục họ. Chẳng hạn như bạn có thể nói: “Em yêu anh nhưng em ghét việc phải nhìn anh chịu đựng. Trầm cảm là bệnh rất thường gặp và anh không phải xấu hổ. Em với anh cùng tìm hiểu nó nhé.”
Kiên nhẫn lắng nghe và chịu đựng
Luôn khuyến khích bạn đời nói về cảm giác, suy nghĩ của họ và cố gắng lắng nghe đừng phán xét. Nói chuyện với bạn đời bị trầm cảm nhiều khả năng bạn sẽ phải nghe những điều làm bạn tan vỡ con tim. Chẳng hạn họ có thể sẽ bày tỏ hoài nghi thậm chí phủ nhận tình yêu dành cho bạn, không muốn kề cận bạn.
Lời khuyên là cố gắng trì hoãn quyết định của bạn đối với cuộc hôn nhân đến khi bạn đời của bạn vượt qua bệnh trầm cảm.
Đề nghị được đưa họ đến bác sĩ
Điều này rất hữu ích cho quá trình chữa trị, sẽ giúp bác sĩ biết chính xác hơn về tình trạng của bệnh nhân vì không ai hiểu, gần gũi và quan sát bệnh nhân kỹ hơn bạn đời của họ.
Thông thường vợ hoặc chồng là người đầu tiên nhận ra được những thay đổi của người bạn đời bị trầm cảm.
Nên cho các con biết nhưng ở mức độ vừa phải
Lý do bởi vì trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến hôn nhân mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ gia đình.
Thông thường trong gia đình có cha hoặc mẹ bị trầm cảm, trẻ rất dễ cảm nhận có điều bất ổn đang diễn ra dù không biết chắc điều gì. Nhiệm vụ của bạn là nói với con một cách tế nhị nhưng trung thực về tình trạng bệnh của cha hoặc mẹ để trẻ không phải sợ hãi hay lo lắng.
Kiên nhẫn với tiến trình điều trị
Sẽ có nhiều cuộc thử nghiệm thậm chí có sai lầm trong điều trị, nhưng tin tốt là một khi đã chịu đi khám, uống thuốc, điều trị tâm lý, bệnh nhân sẽ khỏi được bệnh sau một thời gian.
Bản lĩnh vượt qua giai đoạn khó khăn
Bạn phải xác định quá trình chung sống và hỗ trợ bạn đời vượt qua trầm cảm là giai đoạn hết sức khó khăn. Bạn sẽ thường xuyên thấy lẻ loi, quá tải, và sẽ có lúc bạn kiệt sức, nhưng hãy cố gắng để yên cho cảm xúc của bạn đời, đừng nóng vội tìm cách tiếp cận họ với hy vọng sự thân mật sẽ giúp cải thiện tâm trạng họ và quan hệ hai bạn. Hãy kiên nhẫn đợi đến khi bệnh trầm cảm lùi đi.
Trong thời gian đó bạn có thể tìm đến người bạn thân thiết hay bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ về cảm xúc mỗi khi bạn thấy quá tải, tâm trạng quá nặng nề.
ST