Tâm Sự Thứ Bảy(90): Tâm ác, tâm thiện

11 tháng 7, 2015 0 nhận xét
Bạn là người hiền lương, và tôi cũng vậy. Bạn có tâm thiện, và tôi cũng vậy.
Người hiền lương như bạn có tâm ác không? Câu trả lời là ‘có’, và tôi cũng vậy.

Vậy thế nào là tâm ác? Tôi không có ý định giết người, hại ai, sao bạn lại nói tôi có ác tâm chứ?

Hôm qua trong một bài hỏi đáp, một Phật tử đến hỏi một Sư Thầy rằng người ấy là người lương thiện, luôn làm việc thiện, vậy tại sao lại luôn khổ sở, không may mắn thế? Thầy đã trả lời rằng: “bởi trong con còn có tâm ác nên mới vậy”.

Đúng vậy bạn à, nếu chúng ta trong lòng còn cảm thấy khổ sở một điều gì đó có nghĩa là trong ta vẫn tồn tại một tâm không an lành. Bởi vì khi tâm an lành thì không cảm thấy khổ sở được, chỉ có bình yên và hạnh phúc mà thôi. Như khi yêu một người mà ta khổ sở có nghĩa là trong ta đã có ‘tâm tham’ rồi. Có thể do ta tham vì mong muốn có được người mình yêu, hay sợ mất đi mối tình đó nên ta khổ sở, bất an. Hay khi có một ý nghĩ nhỏ như: ‘‘sao ta làm việc vất vả mà nó thì ngồi một chỗ hưởng vậy?”. Đó là lúc trong lòng ta nảy sinh một tâm đố kỵ. Tâm tham, tâm đố kỵ, tâm sân, tâm si...đều là tâm ác đấy, bạn à. 

Ác có nghĩa là không thiện, vậy thôi, kể cả việc không thiện với chính mình. Nó khiến bạn không bình yên, cảm thấy khổ sở. Khổ sở ấy là do bạn, không phải do bất kỳ ai khác mang đến, là do bạn không hiểu được luật nhân quả, không hiểu được do họ tu tốt ở kiếp trước nên kiếp này họ được hưởng phước mà không phải làm gì. Hay do từ kiếp trước bạn nợ duyên nghiệp với họ, nên kiếp này bạn trả duyên lại cho họ mà thôi. Đầu tiên có khi chỉ là sự khó chịu một ít, nhưng theo tháng ngày, nếu như không được thấy và hiểu một cách rõ ràng, những khó chịu này sẽ tích tụ, huân tập thành lớn và có thể thiêu đốt bạn.

Chúng ta vẫn hay nói ‘người trần mắt thịt’ để ám chỉ rằng cái nhìn, sự hiểu của chúng ta trong tấm thân này là hữu hạn. Đức Phật có nói: “Những gì ta thấy, ta biết chỉ như nắm lá trong tay. Những gì ta không thấy, không biết như lá trong rừng”. Chỉ khi chúng ta rời thân này thì lúc đó sẽ thấu hiểu toàn bộ. Mà đợi đến lúc đó lại muộn quá phải không bạn hả? 

Nếu hiểu ra được rồi, bạn và tôi, chúng ta có làm được không nhỉ? Làm sao để không đau khổ nữa đây?

Chả dễ, đúng vậy. Nhưng sẽ làm được, từng chút, từng chút một, nhất là nếu bạn có niềm tin và luôn chú ý đến tâm mình. Thầy Viên Minh thường nói nguyên tắc tu thành đạo chỉ có sáu từ thôi: “Thận Trọng, Chú Tâm, Quan Sát”. Thận trọng trước mọi quyết định, thận trọng trong lời ăn tiếng nói. Khi làm việc gì dù đi đứng nằm ngồi đều trọn vẹn, chú tâm, quan sát kỹ thì sẽ không mắc lỗi, tâm thái luôn an lành là đạt Đạo.

Vậy thì, hãy mỉm cười, thay vì nhăn nhó khổ sở. Hãy yêu đời và chấp nhận những gì mình có. Những gì đã qua, hãy cho qua đi. Những gì có thể tha thứ được hãy tha thứ đi, nhất là tha thứ cho chính mình. Ai cũng có những khi tham, sân, si, hay đố kỵ, và còn sẽ có tiếp tục trong quãng đời còn lại. Chỉ khác nhau ở chỗ nếu ta tập nhận diện ra 'nó' thì những tâm xấu đó sẽ từ từ biến mất.

Cuối cùng, hãy tập giữ bình an cho tâm hồn của mình bất cứ khi nào có thể, bạn nhé. Chắc chắn một điều nếu bạn & tôi bình an ở kiếp này thì kiếp sau chúng ta sẽ khó mà khổ sở bởi tâm an nảy mầm từ hạt giống bình an mà tôi và bạn chúng ta đã gieo trồng rồi đấy.

Cây bình an đã nở hoa
Hạt bình an sẽ theo ta suốt đời.

Nice week end cả nhà nhé!
7/11/15

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB