Hà Nội Xưa

24 tháng 11, 2016 1 nhận xét
Hà Nội xưa thật êm đềm. Hà Nội êm đềm cả trong chiến tranh phá hoại. Mùa hè, trời nóng, chỉ sau một cơn mưa rào, không khí Hà Nội lại rợn mát. Tiếng ve kêu từng đợt trong ánh nắng trong rọi qua cành sấu, cành me. Những con ngõ nhỏ ở trung tâm Hà Nội ngày ấy phần nhiều còn là ngõ đất. Trẻ con đánh quay, đánh bi, đánh xèng tạo thành vết trên mặt ngõ. Có thể vì mặt đất nhiều nên Hà Nội xưa mát mẻ.
Nhà mặt phố thường bán nước chè chén, thuốc lá bao, thuốc lá cuộn, kẹo vừng, kẹo lạc, bánh cuốn thừng, lủng củng những cái lọ thủy tinh xanh lờ, sủi bọt, ghế gỗ rất thấp nhưng chắc chắn. Sang hơn thì bán cà-phê, phở, chè đỗ, mở hiệu cắt tóc. Hiệu cắt tóc “quốc doanh” thường có con ngựa gỗ sơn đỏ dành cho trẻ em, khách đến phải lấy số, tầm cuối trưa văng vẳng tiếng đài dạy hát.

Hầm cá nhân làm bằng than xỉ, đúc ở vườn hoa Cổ Tân cạnh Nhà hát lớn, nhìn sang có quán bia hơi chiều. Hầm rất ít. Trên phố Tràng Tiền không có hầm, không có cây. Người ta thường lấy gầm cầu thang làm hầm.

Quanh hồ Gươm, điểm cao nhất ở số 93 Đinh Tiên Hoàng, trên có một ụ súng. Đêm Giáng sinh 1972, máy bay Mỹ xẹt qua, ụ súng nhả đạn sáng rực. Mảnh đạn rơi xuống các mái nhà, nước thép biếc xanh nóng rãy tay.

Hà Nội thời chiến thật lạ. Người Hà Nội xê dịch từng trăm thước một để tránh bom. Có người ở khu tập thể rút về nhà họ hàng ở quanh hồ Gươm, cách chưa đầy cây số. Ngày B52 đánh Hà Nội, mậu dịch vẫn bán vịt cỏ, đổ đồng một đồng hai một con. Xe khách chở người đi sơ tán miễn phí - 4 rưỡi, 5 giờ sáng đã rộn rịp chạy từ bến Hàng Vôi.

Ngày đi làm, tối không họp không sinh hoạt đoàn thể thì người ta ở nhà học tập, đọc sách, nghe đài truyền thanh, nghe trộm “đài địch” bằng máy bán dẫn, hoặc đi “Bách hóa”, đi xem phim - phim Liên Xô, phim CHDC Đức, phim Ba Lan... Có gia đình thì quây quần làm hàng gia công (gọi là kế hoạch 2, kế hoạch 3), nhiều nhà có cả máy sản xuất nhỏ. Ngày ấy người ta không như bây giờ, rất ít buôn chuyện. Cửa hàng Bô-đê-ga thường phục vụ si-rô lựu, cà-phê đá, bánh xốp, bánh ma-đơ-len làm đúng kiểu...

Trưa hôm trước ga Hàng Cỏ trúng bom “la-de”, sáng hôm sau, chẳng hề hấn gì, người Hà Nội vẫn tụ tập xem báo mới. Một Hà Nội thanh bình chỉ cách một Hà Nội chết chóc, đau thương ở Bệnh viện Bạch Mai, ở phố Khâm Thiên, ở khu An Dương chưa đầy mười lăm, hai mươi phút đạp xe.

Trưa 30 tháng 4 năm 75, người Hà Nội tràn ngập phố. Có cả pháo đốt. Xe cam-nhông chạy lòng vòng quanh hồ Gươm, trên có đông người ngồi ghế băng hát. Công nhân tình nguyện Cu-Ba đang xây dựng Khách sạn Thắng Lợi đổ về trung tâm, cầm gạch đập lên nóc ca-bin thay trống.

Đầu những năm 70, các tối thứ 4, thứ 7, Chủ nhật, người Hà Nội có thêm niềm vui được xem “vô tuyến”, mục “Bông hoa nhỏ” có họa sĩ Mạnh Quỳnh dạy trẻ em vẽ. Trong thời gian diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh, “vô tuyến” phát bộ phim Liên Xô nhiều tập “17 khoảnh khắc của mùa xuân”. 1974, người Hà Nội vẫn theo dõi World Cup qua báo...

Ồ! Cái thời hiên ngang ấy của Hà Nội có lẽ đến năm 1995 mới dứt hẳn. Nó kéo dài khoảng 40 năm. Những năm 80, vẫn còn các cửa hàng gạo, và những chiếc xe ba bánh chở thực phẩm chạy rông khắp phố.

1990-1991, Bách hóa Tổng hợp (nay là Tràng Tiền Plaza) vẫn còn mở gian hàng bán cơm bình dân...
Hà Nội xưa cũng là Hà Nội của nghệ thuật, của âm nhạc và của hội họa. Hà Nội thời ấy yên ắng, ánh đèn đêm mờ đỏ nhưng nhìn rất rõ, người đi đường đôi khi vẫn nghe thấy tiếng đàn vọng ra từ những ô cửa sổ..."
Trích bài viết của Quang Việt (Báo Mỹ Thuật)

1 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB