KÝ ỨC NGÀY NÀY NĂM XƯA

18 tháng 12, 2012 6 nhận xét
      Ngày này năm 72 hầu hết các bạn lớp mình chắc là đã đi sơ tán cả rồi. Anh em tôi thì được bố mẹ "đèo xe đạp" về quê với Ông Bà Nội ở Bắc Giang. Làng San quê tôi ngày ấy có Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về sơ tán. Nhà của ông bà tôi có một đôi vợ chồng giảng viên Bách Khoa (nhà ở Cầu Giấy) cùng 2 cô con gái bé tí ở nhờ. Họ dạy bà con cách chữa đài radio và sửa chữa các loại máy móc, nông cụ. Họ còn hướng dẫn tụi trẻ con bọn tôi lấy 2 ruột bao diêm nối với nhau bằng dây thép bé xíu rồi alô vào tai như nghe điện thoại. Không khí xóm làng hồi ấy tuy gian khổ nhưng đông vui và nhộn nhịp lắm. Cũng trong những ngày này tôi tận mắt được chứng kiến cảnh bom rơi, đạn nổ, tiếng B52  kêu ù...ù...như tiếng cối xay lúa nghe rất inh tai nhức óc;  thấy những vệt khói trắng của đạn tên lửa đan nhằng nhịt trên trời; cảnh máy bay Mỹ cháy đỏ rực cả trời đêm trong tiếng reo hò của bà con cả làng, và cả cái cảnh chắc ít bạn được thấy là cảnh mấy trăm bà con nông dân làng tôi lũ lượt đi xem tên phi công Mỹ nhảy dù bị mắc vào ngọn cây xoan trên cánh đồng làng Tiếu ở cạnh làng mình...Giờ nghĩ lại cũng thấy hãnh diện ra phết vì ta đây cũng đã từng trải qua chiến tranh(hàhà), nhưng cũng vô cùng may mắn vì đã sống sót qua những tháng ngày bom đạn ác liệt ấy.
       Cuối tuần vừa rồi đi bát phố vô tình nghe thấy tivi nhà ai hát bài HN-ĐBP mà lâu lắm lắm rồi không được nghe, về nhà tìm nghe lại trên youtube thấy hay thật, ca từ mộc mạc nhưng rất oai hùng, giai điệu khí thế và "máu lửa" lắm.
       Mời các bạn nghe ca khúc "Hà Nội - Điện Biên Phủ" để sống lại một chút với khoảnh khắc hào hùng của Hà Nội năm xưa.

     

6 nhận xét:

  • Tâm đại tá nói...

    Cám ơn Trụ mình thấy ko chỉ có bài hát này mà rất nhiều bài hát thé hệ bọn mình nghe vẫn thích bọn trẻ con nhà mình nó kêu các cụ già hết rồi Trụ làm cho mình nhớ lại thời chiến tranh đi sơ tán thật sợ nhưng cũng thật vui vì lúc đấy mọi người sống với nhau tót hơn

  • Như Hải nói...

    Máy bay trễ,được Hà Béo cho quá giang ra sb sớm những .. gần 3 tiếng, Vừa về đến nhà, kịp húp bát canh, mở blog thấy máy bay bay ầm ầm.. đầy ký ức. Ông làm tôi nhớ ngày 19/12 mẹ tôi bảo là đẻ tôi dưới hầm đấy nhé!
    Cám ơn T rất nhiều. Ngày trước ông cũng là cây văn 'đáo để' trong đám con trai 12C còn gì! Tiếp tục viết đi, không blog lại mất một nhân tài văn học.

  • Thúy Doãn nói...

    Cám ơn Trụ, đúng là hoài cổ mà vẫn hay! Hồi đấy anh em mình theo cơ quan mẹ về sơ tán ở Lý Nhân, rồi mẹ bị điều đi biệt phái ở miết Phủ Lý đến khi đi học hết cấp I, đầu cấp II mẹ đấu tranh mãi mới được về Đài truyền hình TW nên bọn mình cũng được biết thế nào là sơ tán, cũng ở cùng nhà dân, cũng đi chăn trâu với bọn trẻ ở làng, đã từng bị đỉa cắn, hồi đó khổ nhưng ai cũng thế, mọi người quan tâm đến nhau nhiều hơn, có người bị ốm là mẹ mình đi rất xa để giúp, dù có mưa bão...mình từng bị trâu húc xuống ao, bác chủ nhà lao ra cứu..bị gà tây đuổi chạy toé khói.
    Đúng là hoài cổ rồi các bạn ạ, ngày xưa ơi ngày xưa.
    Mấy hôm nay toàn nghe những bài hát, bài thơ từ ngày còn bé mà mình rất yêu thích, mỗi lần nghe lại thấy bồi hồi quá

  • Hà "Béo" nói...

    Trụ làm cho mình nhớ ký ức tuổi thơ mỗi khi có hiệu lệnh "Đồng bào chú ý! máy bay địch cách xa Hà Nội..." là mình cùng bọn trẻ con chạy ngay vào gầm cầu thang khu tập thể 16 Trần Hưng Đạo để trú bom, bây giờ nhớn rồi nghĩ lại nếu bị bỏ bom cả toà nhà sập xuống thì nặng lắm nhỉ...

  • Như Hải nói...

    Hôm 29/12 đưa con trai và 2 đứa cháu đi vào bảo tàng di tích chiến tranh, gặp tấm hình này trong ấy, và rất nhiều hình ảnh thời chiến. Chợt nhớ tới mình được sinh ra dưới hầm. Hồi ấy người lớn thì sợ, chứ trẻ con biết gì. Mình rât thích xuống hầm, ngửi mùi đất nồng nồng và mùi cỏ ngai ngái. Hồi sơ tán, thích nhất một góc nơi ấy có suối reo róc rách và chuồn chuồn ớt đỏ đậu trên cỏ.. Mình toàn trốn mẫu giáo ra đó, có thể ngồi mãi cả ngày cũng được. Có lần suýt bị người dân tộc dụ đi mất.... Lúc đó mới có .. 4 tuổi mà gan to thật, mình trốn ngay vào lùm cây và .. tẩu thoát!

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB