Hôm nay một người
quen ở nước ngoài vừa gọi điện về cho mình báo tin về một người bạn mà mình
quen biết gần 30 năm nay đột ngột bị chứng ‘hoang tưởng’. Một người hết sức
bình thường có một gia đình tưởng chừng như ước mơ của không biết bao người,
hai đứa con học giỏi, ngoan ngoãn, một người vợ xinh đẹp lại hết sức đảm đang.
Bản thân người bạn ấy là mội người có tài, công việc tốt đẹp... Ba mẹ con phải trốn
chạy người bố. Công an phải đứng ra bảo vệ, đưa đón 2 đứa trẻ đi học. Còn bạn
bè bị người ấy gọi điện thoại đến doạ nạt, rồi mang cả chiêu tự tử, đốt nhà, nếu vợ con
không về ... Thật là đau xót quá.
Vậy, một người thế nào
được gọi là bình thường đây hả bạn? Tôi và bạn, chúng ta có được coi là bình thường không?
Trong một vài Tâm
Sự Thứ Bảy trước, mình đã bàn về vấn đề này rồi. Rằng, không có ranh giới rõ rệt
nào giữa người bình thường và bất thường cả. Chúng ta, dù bình thường đến đâu
cũng có lúc bất thường. Nếu như biết giữ một cuộc sống cân bằng thì sẽ có nhiều
lúc ‘bình thường’ hơn, còn không sẽ có nhiều thời gian ‘bất thường’, lâu dài sẽ
trở thành người ‘khác thường’.
Thực ra mỗi xã hội
đều có chuẩn mực cho người bình thường, về hành vi, lời nói, thái độ. Tuy
nhiên, trong môi trường khác nhau, xã hội khác nhau, văn hoá khác nhau, nền văn
minh khác nhau, các chuẩn mực ấy cũng vô cùng khác nhau. Đơn cử như ở Việt Nam,
một đứa trẻ 10 tuổi giơ nắm đấm doạ bạn học được coi là hành vi bình thường.
Trong khi đó ở Mỹ, hành vi đó được cho là mầm mống của khủng bố, là sự bất bình
thường. Người mẹ sẽ được gọi lên để báo về hành vi của con. Cô giáo sẽ được đề
nghị theo sát học sinh này. Cả gia đình và nhà trường sẽ giúp đỡ đứa trẻ nhận
thức đúng đắn hơn về hành vi ‘sai trái’ đó của mình.
Người Mỹ
có lý. Những đứa trẻ có hành vi bạo hành từ nhỏ (dù chỉ là trong suy nghĩ) cũng
sẽ dễ bị lệch lạc về tâm lý sau này hơn đứa trẻ khác. Nếu không được theo sát,
uốn nắn, rất dễ trở thành ‘người bất bình thường’, là mối lo của xã hội.
Trong tâm lý học,
những người có tâm vững, não bộ tốt, khả năng thích ứng với hoàn cảnh tốt sẽ dễ
cân bằng trước thay đổi bất ngờ của cuộc sống. Ngược lại, những người sở hữu những
tài năng hay ‘khác thường’ một tý như nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, bác học...
hệ thần kinh của họ thường cũng ‘nhạy cảm’ hơn người. Những người này thường có
một cuộc đời ‘không giống như mọi người’. Thời gian bất thường có thể nhiều hơn
bình thường. Người bạn mà mình nói trên đây cũng nằm trong số này. Mức độ bất thường có thể từ nhẹ (hơi hâm hâm)
tới nặng (hâm quá) hoặc rất nặng (tâm thần hoang tưởng) như người bạn mình.
Bạn sẽ nói bạn
không trong số đó mà nhiều khi cũng vẫn bất thường phải không?
Đúng vậy. Các
hành vi, lời nói của chúng ta được dẫn dắt bởi suy nghĩ. Suy nghĩ bị thái độ điều
khiến, sẽ hướng hành vi, lời nói trở nên ‘normal’ or strange’ (bình thường hoặc
bất thường). Hành vi được lập đi lập lại nhiều lần trở thành thói quen. Thói
quen huân tập theo thời gian trở thành cách sống và tạo nên cuộc đời của một
con người. Vậy thì, nếu biết thay thái độ sẽ thay đổi cuộc đời mình. Chúng ta
có thể học trong từng hành động nhỏ. Học để cân bằng chính mình. Học để trở về.. một người bình thường. Trở lại,
nghĩa là trở về một đứa trẻ của ngày xưa, khi không bị các áp lực gia đình, nhà
trường xã hội đè nén... chỉ
đơn giản sống trong bầu không khí yêu thương, hoà ái, được tôn trọng và bình an.
Tuần tới, người bạn
mình sẽ phải ra toà ở nước ngoài đối diện với vợ, con. Người bố sẽ không được
phép ‘làm bố’ nữa. Truất quyền làm bố, làm chồng của một con người thật sự là nỗi
đau đớn quá lớn của anh. Chỉ sợ quyết định của toà án lại đẩy người bố đến bờ vực
thẳm, quẫn quá có thể quyên sinh. Lúc này chỉ mong sao bác sĩ có thể can thiệp
để người bố được chăm sóc tận tình, thuốc thang một thời gian. Mà như vậy thì
hơn lúc nào hết, người bố lại cần có sự yêu thương của gia đình, của những người
thân bên cạnh, cho dù chỉ là thăm hỏi...
Mình chỉ mong sao tất cả mọi người trong gia đình người bạn ấy đều mạnh khoẻ, tâm thái trở về bình an. Vì, chỉ có bình an trong tâm hồn mới cứu được mỗi người tránh khỏi sợ
hãi lẫn nhau, để hiểu và yêu thương nhau được đúng cách.
Cuối cùng mượn lời bài hát nổi tiếng của Nga: "Tôi chúc bạn hạnh phúc" để chúc cho mỗi chúng ta có được bình an thực sự. Bởi, bình an mới chính là hạnh phúc quý giá nhất. Chỉ khi nào bạn có được bình an trong tâm hồn, bạn mới lan toả được hạnh phúc và an bình tới những người ở xung quanh bạn.
Chúc bạn mội tối chủ nhật an lành nhé!
Admin blog
3 nhận xét:
Ha ha lớp mình sở hữu nhiều nhà văn, nhà thơ, hoạ sỹ, hơi bác học nữa, vậy phải làm sao?????
Lại hơi ko bình thường rồi Hà péo ạ .Hoa ơi chỉ có ở nước ngoài mới trầm trọng thế thôi chứ ở VN cho vào viện dùng thuốc một thời gian là lại cho hòa nhập cùng mọi người mà đúng là họ văn minh hơn lên cũng có cái hay nhưng cũng có cái bất cập hơn mình nhỉ !
Post lại bài này vì người bạn trong câu chuyện của mình đã mất chỉ sau bài viết ra lò được khoảng hơn 1 tháng. Ng ta tìm thấy bạn ấy treo cổ tự vẫn tại nhà.
R.I.P a K.
Đăng nhận xét