Trầm Cảm

3 tháng 10, 2016 0 nhận xét
Một người em gái hay viết những vần thơ nhẹ tênh một cách nặng lòng đã phải điều trị tại bệnh viện tâm thần. Một người em trai đi du học đã vướng vào mối tình với cô gái bản xứ và bố mẹ cô ấy đã đề xuất em đi gặp bác sĩ tâm lí đi chứ đừng làm ảnh hưởng con gái bác trong khi chính con gái bác im lặng bốc hơi và suýt nữa em phải bảo lưu một năm học do trầm cảm. Một người chị gái nói Trang ơi chị phải làm sao đây, anh chị yêu nhau đã gần 10 năm và đã kết hôn nhưng anh ấy chưa bao giờ biết chị có một phần nổi loạn chỉ muốn bung ra và chị cảm thấy căm ghét chính mình. Một người khác sau khi nhận lời đám cưới bị trầm cảm do thấy không sẵn sàng nhưng không thể từ bỏ. Một người bạn đi du học bảo lưu một năm học cũng vì trầm cảm,đại học là nỗi thất vọng quá lớn vì bản thân đã kì vọng quá nhiều. Cô giáo dạy cấp 3 nói nhiều lúc phải nhìn vào người kém may mắn để cố gắng sống tốt, chứ không biết sống làm gì. Một người bạn thân lúc ở đại học đã rất xuất sắc, nhưng khi đi làm cảm thấy tao đang sống mòn, tao có thể làm việc nhưng để tạo ra một giá trị gì, có một người sếp đủ truyền cảm hứng thì không.
Trầm cảm không tha cho bất cứ ai, ở bất cứ lứa tuổi nào, có điều nhìn qua thì họ đều là người bình thường khỏe mạnh không cần điều trị. Tâm lí là bệnh khó chẩn đoán khó chữa trị. Bộ não là cỗ máy kì diệu, vì nó kì diệu nên khi hỏng nó rất khó sửa.Mỗi ngày nó có thể tạo ra 60000 suy nghĩ, nên chính ta có thể tự giết mình nhanh hơn không khí bẩn hay thực phẩm bẩn.
Mình tự hỏi sao người ta hay cảm thấy vô nghĩa thế, thờ ơ với mọi thứ. Thỉnh thoảng mình nhịn ăn để đánh thức cảm giác đói, hãy thử trong mười mấy hai mươi tiếng không ăn gì, lúc đó bạn sẽ không hỏi ý nghĩa cuộc sống là gì nữa, bạn sẽ thấy kể cả miếng cơm không cũng ngon trào máu mũi ra. Sáng hôm qua mình ngồi mấy tiếng bóc lạc, sau đó thấy hâm mộ những người có thể làm những công việc giản đơn lặp lại vãi xoài. Buổi tối trên đĩa nộm hoa chuối có mấy hạt lạc rang còn sót lại, theo lẽ thường sẽ đổ vào thùng rác, sau đó nhớ lại cái buổi sáng gò lưng bên mẹt lạc, thế là vui vẻ ăn nốt. Đấy là còn chưa tính cái đoạn người ta đi trồng lạc và mất bao lâu để thu hoạch nữa. Có lẽ những con người hiện đại đã quen với việc hưởng thụ thành quả ở mắt xích cuối cùng trong quá trình, nên họ đã quên đi cách trân trọng mọi thứ.
Trịnh Công Sơn nói: Có những ngày tuyệt vọng, tôi và cuộc đời tha thứ cho nhau. Thật ra đâu phải nhất thiết sống là phải có ý nghĩa liên tục, có những ngày chỉ cần bản năng lên tiếng, đói thì ăn, mệt thì ngủ, như một chú mèo lười, hãy tha cho trái tim và khối óc quá tải của chúng ta.Tặc lưỡi sống thôi mà, đâu phải ghê gớm vậy. Chỉ có khi ta bình tâm và biết ơn trở lại, ta mới có thể tiếp tục đi tìm câu trả lời thôi. Mình thích câu "Your soul and mind also need Sunday". Đi lên sao Hỏa hay mặt trăng con người đều có thể làm được, nhưng có một điều con người rất khó làm được, chính là ngừng suy nghĩ. Các nhà khoa học sau khi từ mặt trăng trở về bị trầm cảm vì không biết sống để chinh phục cái gì nữa, thấy không, chúng ta là những kẻ tưởng rằng có thể giết những loài khác và làm chúa tể, nhưng cũng là loài rất dễ giết chính mình. Thượng đế, suy cho cùng, thật công bằng và ranh mãnh.
Bạn mình nói khi chúng ta nghĩ rằng lớn lên sẽ sống cuộc đời của riêng mình, thực ra ta đang đi từ cái nhà tù trường học sang một cái nhà tù khác lớn hơn, được tạo nên bởi các định kiến xã hội. Mình nghĩ điều đó đúng, dĩ nhiên tự do tuyệt đối là không có vì con người là một phần của xã hội, nhưng ta có thể tự do nhiều hơn hay ít hơn nhờ vào suy nghĩ của mình. Có những người nói thay đổi thì có khá hơn không, ở đâu cũng là nhà tù cả. Nhưng mình cho rằng sẽ có nhà tù mà ta thấy chịu đựng được hơn những nhà tù khác. Ví dụ mình học dốt kinh tế, mình không chắc là làm thứ mình thích thì có ổn không, mình chỉ chắc chắn nếu phải đeo nơ ngồi trong ngân hàng mình sẽ bất hạnh. Kể cả khi viết bị ném đá hay thách thức, phủ nhận, vẫn không thể bất hạnh bằng cái việc phải đeo nơ mỉm cười cả ngày. Đầu óc chúng ta chính là cái nhà tù lớn nhất đấy chứ. Ta làm nô lệ cho những ham muốn của ta, không phải sao.
Một căn phòng ngăn nắp cũng quan trọng như một cái đầu ngăn nắp. Muốn phòng ngăn nắp phải có thời gian dọn phòng, muốn đầu ngăn nắp phải có thời gian dọn lại suy nghĩ. Khi khó khăn, người ta cảm thấy không muốn phí một phút nào để lao vào giải quyết khó khăn, nhưng đôi khi còn tạo ra thêm khó khăn khi ta kiệt sức. Mình nhận ra rằng khi mình buông vấn đề ra để quay về dọn dẹp căn phòng tâm trí, nhiều vấn đề tự động cuốn gói ra đi. Đấm vào một bịch bông rất chán vì nó mềm, đấm một lúc không muốn đấm nữa. Khi cuộc đời đấm vào bạn, hãy trở thành cái bịch bông, rồi nó sẽ chán bạn thôi. Đây là một quy luật tâm linh, hãy mềm mại dễ chịu được như bông ấy.
Đang bắt đầu đọc In praise of slowness, có lẽ sẽ có những góc nhìn rất hay về sống chậm. Mình cũng luôn nghĩ, nếu không có thời gian, đừng nói chuyện hạnh phúc. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ hết vấn đề đâu, thậm chí chúng ta có một cố máy trong hộp sọ có khả năng tạo thêm ra vấn đề nữa, thế mới khốn nạn =)), thế nên ta chính là kẻ thù đáng gờm và khó đối phó nhất của chính mình. Rốt cuộc người thành công là người có thể bình thản đón nhận mọi biến cố cuộc đời.
Hôm nay đi thăm một trang trại trên đồi và bị choáng ngợp bởi sự hoành tráng và đẹp đẽ lẫn bền vững của nó. Co chủ chắc chắn được làm bằng thép thì mới có thể bỏ ra 10 năm tạo nên ngọn đồi thuê cả trăm công nhân, tự cung tự cấp rồi vẫn là nguồn cung cho cả chục cửa hàng tại thủ đô. Nhu cầu cơ bản của con người là gì, là ăn, thế thì ai biết làm nông nghiệp chính là những người không sợ bố con thằng nào nhất trên đời này. Ôi mẹ ơi đấy mà là nhà tôi thì chắc tôi ở nhà tưới cây vẽ tranh viết văn rồi đi làm từ thiện quá :v Thế giới lí tưởng nên ít người đi, bớt đẻ đi, có những nông dân tài ba đảm bảo an ninh lương thực để tất cả đều có thời gian ca hát nhảy múa và yêu thương bản thân, chứ không phải là đi học con chữ 16 năm không mua nổi vài mớ rau hữu cơ hàng ngày...
Thân Trang FB

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB