1. Mang khẩu trang:
Vì virus Wuhan lây lan theo đường giọt bẩn, là những giọt nước miếng, đàm, có lẫn virus từ người nhiễm, xâm nhập vào phổi của chúng ta và gây bệnh. Thường những giọt này lớn hơn 5nm, nên khi người ta nói, nó văng xa khoảng 1,5m rồi rơi xuống đất. Chỉ có các hạt nhỏ hơn 5nm sẽ có thể bay và xâm nhập vào phổi.
Vì vậy, cần mang khẩu trang khi đứng gần ai đó dưới 2m. Trên thực tế, bất cứ ai, dù có sốt hay không, đều có thể bị nhiễm Wuhan virus, nên cứ đứng gần, cách dưới 2m là phải mang khẩu trang. Tuy nhiên, có người có khả năng nói lớn, hoặc họ đứng đầu gió, thì những giọt bẩn có thể bay xa hơn nữa, nên cứ vào khu vực có người khác, là phải mang khẩu trang, dù cách chứng 4, 5m cũng vẫn nên mang khẩu trang.
Trong các khu vực có máy lạnh, điều hòa trung tâm, hoặc sử dụng máy cục bộ, thì đó có thể là nguồn lây nhiễm, do những giọt bẩn nhẹ có thể bị cuốn vào máy, chui qua hệ thống lọc và phát tán trở lại trong không gian kín. Vì vậy, nếu phải bắt buộc đến các khu vực không gian kín, có máy điều hòa không khí, như phòng họp, xe buýt, MRT, train, taxi công cộng, cần mang khẩu trang.
Khẩu trang y tế có mặt ngoài không thấm nước, có thể cầm cự được các giọt bẩn không xuyên qua trong khoảng 4 giờ. Khẩu trang vải thì ít hơn khá nhiều. Do vậy, nếu mang khẩu trang y tế, thì sau khoảng 4 giờ mang liên tục cần thay khẩu trang. Nếu mang khẩu trang vải thì nên thay mỗi 2 giờ là cùng.
Khi mang khẩu trang, tuyệt đối không sờ tay vào mặt ngoài khẩu trang. Khi gỡ khẩu trang thì cầm vào dây đeo tai và gỡ nó ra. Nếu chỉ mang trong thời gian ngắn, mà muốn sử dụng lại, thì tháo khẩu trang ra, để ngửa mặt ngoài xuống dưới.
Ghi nhớ chỗ để khẩu trang để sau này tẩy trùng chỗ đó. Về nguyên tắc, mặt ngoài khẩu trang tiếp xúc với chỗ nào thì chỗ đó được coi là có virus. Tuyệt đối không sờ tay, hay để bất cứ vật dụng gì vào chỗ để khẩu trang. Tốt nhất là lấy mảnh giấy, viết rõ là giấy để khẩu trang, rồi để khẩu trang lên đó. Sau khi để xong vứt ngay tờ giấy đó vào thùng rác.
Nếu mang khẩu trang đến chỗ có nguy cơ lây nhiễm cao thì tốt nhất là khi về nhà phải bỏ khẩu trang đó luôn, sử dụng cái mới cho lần mang sau.
2. Mang kiếng
Các giọt bẩn cũng có thể bắn vào mắt, rồi theo ống lệ đổ xuống hầu, họng, và chúng ta hít phải nó. Cho nên, giống như mang khẩu trang, cần mang kiếng khi đến chỗ đông người, hoặc vào các không gian công cộng kín, có sử dụng điều hòa hay không.
Tốt nhất là kiếng che được kín, ôm sát vào mặt, không có nhiều khe hở để các giọt bẩn có thể chui vào và dính vào mắt, rồi bị cuốn xuống hầu, họng.
Khi về tới nhà, kiếng cần được tháo ra và rửa sạch bằng nước và xà bông. Chú ý, nếu kiếng chưa được rửa, thì để nó lên chỗ nào, chỗ đó phải được coi là có chứa virus (giống như chỗ để khẩu trang đang dùng).
3. Rửa tay.
Cần rửa tay thường xuyên. Khi đi đến chỗ đông người, khi cầm nắm vào các bề mặt, như tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, tay vịn thang máy hay thang cuốn… rất có thể các giọt bẩn chứa virus đang tồn tại trên đó. Nên sau khi cần nắm vào các vật như vậy, cần rửa tay ngay. Ngoài ra, trước khi ăn uống, hoặc cầm vào đồ ăn, đồ uống, cầm vào dụng cụ ăn, uống, cầm vào bàn phím máy tính, chuột… cũng nên rửa tay.
Tại sao phải rửa tay? Nếu không rửa tay, có thể chúng ta sẽ đưa tay lên mặt, làm các giọt bẩn dính trên mặt, từ đó chúng ta dễ dàng hít các giọt bẩn chứa virus vào phổi. Ngoài ra, từ tay, virus sẽ dính vào tất cả những thứ mà chúng ta vô tình hay cố ý chạm phải, và từ đó chúng ta lại có thể hít con virus ấy vào trong phổi.
Rửa tay tốt nhất là rửa bằng nước và xà bông, thời gian tối thiểu là 20 giây, nếu 30 giây là tốt hơn. Thời gian nói trên là thời gian xà bông lưu trên tay. Hình kèm theo là các qui trình rửa tay. Bước 4 là gập các ngón tay hai bên, rồi chà ngang qua lại. Bước 6 thì chụm đầu ngón tay, và xoáy vào lòng bàn tay kia.
Nếu không có nước và xà bông ngay lúc đó mà vẫn cần phải rửa tay, thì có thể dùng gel rửa tay chứa cồn 60 đến 70 độ. Nếu không có gel tại chỗ, thì có thể dùng khăn tẩm cồn lau sạch tay, hoặc ít nhất thì khăn ướt cũng được (khăn ướt thì độ sạch không bằng khăn tẩm cồn, khăn tẩm cồn không sạch bằng gel rửa tay có cồn, và rửa tay bằng nước và xà bông là tốt nhất).
4. Rửa mặt và tắm.
Cũng nên rửa mặt thường xuyên, nhất là sau khi nói chuyện với người khác, dù có đeo khẩu trang và đứng cách xa hơn 2m khi nói chuyện. Sau khi đi vào các địa điểm công cộng có không gian kín, nhất là nơi có máy điều hòa không khí, như train, MRT, taxi… nên rửa kiếng, rửa tay, rửa mặt. Nếu đi vào khu vực có nguy cơ cao, thì khi về nhà nên gội đầu và tắm ngay.
Rửa mặt bằng khăn, nếu có sữa rửa mặt thì tốt, nếu không thì cho xà bông vào khăn và dùng khăn đó rửa mặt, rồi rửa sạch nước. Thời gian để sữa rửa mặt hoặc xà bông lưu lại trên da mặt cũng phải nhiều hơn 20 giây.
5. Lau sạch các bề mặt.
Tất cả các loại bề mặt, như tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, tay vịn thang máy hay thang cuốn, ghế ngồi trên MRT, train hay taxi, máy bay, bàm phím máy tính, chuột… đều phải được làm vệ sinh thường xuyên. Cái nào có thể làm sạch bằng nước và xà bông thì làm, nếu không thì dùng cồn, hoặc khăn tẩm cồn lau sạch. Riêng sàn nhà thì có thể dùng khăn và nước pha với xà bông lau sàn.
Các vật dụng cá nhân như điện thoại di động, máy tính và các vật dụng cá nhân khác... cần được tẩy trùng thường xuyên. Tiện dụng nhất là dùng khăn tẩm cồn lau sạch nó trước khi sờ tay vào. Các bề mặt ở nhà thì cần được làm sạch ngày 1 lần, hoặc sau khi có khách, hoặc tay chưa được rửa sờ vô.
Còn các bề mặt công cộng, khi bắt buộc phải dùng, như ghế taxi, ghế máy bay, ghế phòng họp, nhà hàng… trước khi ngồi thì cần được làm sạch. Có thể dùng khăn tẩm cồn lau hoặc dùng gel rửa tay có cồn. Đặc biệt lưu ý tay vịn xe đầy ở siêu thị. Tất cả các đồ vật ở siêu thị, tiền mặt, sau khi sờ vào, cũng nên rửa tay ngay. Còn khi mang chúng về nhà, cần rửa sạch hoặc lau sạch bao bì, hoặc sản phẩm trước khi cho vào tủ lạnh hoặc dùng.
6. Quần áo:
Nếu đi ra ngoài và đến nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, nên mặc một áo khoác mỏng ngoài cùng (áo sơ mi rộng và dài chẳng hạn). Áo này có chức năng giống như khẩu trang, ngăn không cho các giọt bẩn dính vào các lớp áo trong. Khi về đến nhà, áo này phải được cởi ra ngay và cho vào chậu nước xà bông ngâm khoảng 15 phút, rồi mới cho vào máy giặt.
Nếu đi ra những vùng thoáng gió, không có người khác, hoặc ít người, giao tiếp ít và bảo đảm cự li trên 2m, thì không cần áo này, hoặc nếu có mặc sẵn thì không cần phải ngâm và giặt ngay. Nhưng nếu đi máy bay, thì phải có sẵn vài cái để thay thường xuyên.
Khi thay ra, thì tốt nhất là xếp mặt ngoài vào trong, cuộn lại, rồi bỏ vào bịch nilon (tránh chạm tay hay để áo chạm vào mặt ngoài bao), sau đó cột chặt. Nếu xài bao loại có zip kéo thì tốt. Nếu đi máy bay đường dài có khi phải chuẩn bị để có thể vứt áo đi. Nhớ rửa tay sạch sau khi cởi áo, trước khi mặc áo mới.
7. Sử dụng thang máy và phương tiện giao thông công cộng.
Nhiều người dùng chìa khóa, thẻ, bút thay cho tay để bấm nút thang máy, xong rồi cho thẻ vào túi. Điều nay có thể làm cho các giọt bẩn chứa virus dính từ các nút bấm, tay mở cửa, thanh vịn... vào thể, rồi vào túi, rồi qua tay mình. Tốt nhất, nên dùng khăn tẩm cồn làm miếng lót khi tiếp xúc với các vật nói trên.
Đối với các bề mặt công cộng, như ghế taxi, ghế máy bay, ghế phòng họp, nhà hàng… khi bắt buộc phải dùng, thì trước đó cần được làm sạch. Có thể dùng khăn tẩm cồn lau hoặc dùng gel rửa tay có cồn và khăn khô lau qua. Đặc biệt lưu ý tay vịn xe đẩy ở siêu thị.
8. Đi máy bay đường dài.
Nên chuẩn bị sẵn những đồ thiết yếu ra một túi nhỏ. Túi này không gởi, không để ở thùng chứa hành lí bên trên, mà mang theo người, hoặc để dưới chân ghế (nếu đi hạng C thì có nhiều khoang, hộc để để túi này). Túi này nên có đủ khăn tẩm cồn, gel rửa tay nhanh, vài cái khẩu trang, nếu có nón giấy y tế thì cũng nên chuẩn bị, có thêm 1 kiếng mắt dự phòng, cùng khăn giấy khô, và vài túi nilông để đựng rác hoặc đồ thay ra. Nếu có thể thì mang theo một ít đồ ăn nhanh, và một chai nước nhỏ thì tốt. Túi này nên để trong một bao ni lôn, có khóa kéo miệng bao thì tốt.
Nên mặc áo khoác ngoài, tốt nhất là áo sơ mi rộng, dài, tay dài. chuẩn bị sẵn 3, 4 cái. Nếu bay dài trên 10 giờ, có thể thay áo này khoảng giữa thời gian trên máy bay. Cởi áo ra rồi cuộn mặt ngoài vào trong, bỏ vào một túi ni lông, cột miệng túi. Rửa sạch tay rồi mặc áo mới. Tuy nhiên, nếu không có khu vực đủ rộng để xoay trở khi thay áo thì không nên thay trên máy bay.
Nếu máy bay đi từ vùng có qua nhiều người bị lây nhiễm, thì nên đội nón, mũ gì đó, để dễ dàng thay hoặc bỏ đi.
Khi ăn trên máy bay, có thể chủ động chia thời gian ăn với người bên cạnh, sao cho thời gian ăn lệch nhau. Nếu thấy khó trao đổi, thì chờ họ ăn xong mình hãy bỏ khẩu trang và ăn. Nhớ rửa tay bằng gel hoặc lau tay bằng khăn tẩm cồn trước khi ăn.
Nếu mang khẩu trang y tế, cần thay khẩu trang mỗi 4 giờ. Tốt nhất là sắp xếp giờ ăn vào lúc thay khẩu trang thì tốt. Khi thay khẩu trang, nhớ là chỉ cầm vào dây đeo, rồi gập mặt ngoài lại, rồi bỏ khẩu trang cũ vào bao rác. Làm sạch tay rồi mới ăn cơm và sau đó mang khẩu trang mới, hoặc mang khẩu trang mới. Lưu ý, không nên thay khẩu trang cùng lúc với người bên cạnh.
Khi xuống sân bay thì tìm nhà vệ sinh và thay ngay áo khoác ngoài khác. Nếu được thì rửa sạch tóc luôn, bằng cách dùng khăn ướt lau, hoặc dùng nước ở bồn rửa mặt làm sạch tóc, rồi lau khô.
9. Xử lí rác thải:
Nên có một bao nilông, có zip (khóa kéo) càng tốt, để bỏ rác. Lưu ý, mặt ngoài bao là mặt sạch, không để rác chạm vào mặt ngoài. Sau khi cho rác vào bao, cần cột chặt miệng túi. Túi rác này có thể bỏ cho tiếp viên khi họ đi lấy rác, hoặc bỏ vào thùng rác khi xuống sân bay. Lưu ý: tất cả các biện pháp phòng thủ có thể bị mất tác dụng nếu không xử lí rác thải tốt.
10. Một số điều cần lưu ý:
- Chúng ta làm mọi cách để phòng thủ không bị lây nhiễm. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự phòng thủ của chúng ta cũng hiệu quả.
- Nếu không may bị lây nhiễm, cần biết rằng, có thế hơn một nửa số người chẳng có triệu chứng gì. Một thời gian sau, cơ thể tự sinh ra kháng thể và tiêu diệt virus, và người bị nhiễm hất bệnh. Có tới 81% số người thuộc thể nhẹ. Ngoài những người không có triệu chứng, số còn lại chỉ biểu hiện như cảm cúm thông thường.
- Đại đa số các trường hợp trở nặng đều lớn tuổi, trên 60 tuổi, và có nhiều bệnh kèm theo, như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp... Nên nếu là người trẻ, thì điều quan trọng nhất là không để cho mình bị hoảng loạn, vì khả năng khỏi bệnh ở người trẻ là gần 100%.
- Ngoài việc phòng thủ cho bản thân mình, cần luôn có trách nhiệm với người xung quanh. Cần biết rằng người bên cạnh mình và những người khác xung quanh cũng nghĩ rằng mình có thể lây nhiễm virus cho họ y như mình nghĩ về họ. Cho nên, cần áo dụng mọi biện pháp bảo vệ mình nhưng không gây hại cho người xung quanh, và không gây cho họ sự hốt hoảng.
- Tăng cường giao tiếp bằng cử chỉ, ánh mắt, mà hạn chế nói, dù có mang khẩu trang.
BS Sơn Vũ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét