Quyền của Phụ Nữ

3 tháng 3, 2020 0 nhận xét
Tôi quen một bạn người Mỹ dạy tiếng Anh ở Hàn Quốc khoảng 20 năm trước, khi Hàn Quốc vẫn còn nhiều thủ cựu trong tư tưởng và phụ nữ vẫn bị kìm tỏa trong những giới hạn nền nếp gia đình quy định.
Cô kể lại thời gian đó: “Hiệu trưởng trường tiếng Anh của tôi cố ý bỏ qua trường hợp một giáo viên nam người Mỹ đã bốn lần tìm cách sờ soạng giáo viên nữ người Hàn Quốc và bị tố cáo trong cuộc họp. Hôm đó chúng tôi phải họp cho ý kiến, và tôi giơ tay nói: “Nếu trường không kỷ luật giáo viên đó, sẽ đến lúc anh ta tìm cách xâm hại cả sinh viên. Thử nghĩ xem nếu trường ta có sinh viên bị đe doạ, ai sẽ dám cho con cái đi học tiếng Anh ở đây nữa.” – Tất cả giáo viên nữ nhìn tôi xong quay đi. Không ai nói tiếng nào, kể cả bốn cô giáo đã từng bị anh người Mỹ kia đụng chạm.”
Sau hôm đó mọi người hỏi sao cô gan như vậy, không sợ mất việc sao? Và cô có phải là người bị đụng chạm đâu? – Cô giải thích rằng không phải vì cô không bị đụng chạm mà cô không can thiệp. Cô nghĩ mọi phụ nữ đều phải được tôn trọng trong môi trường học tập. Nếu vì nể nang, đến lúc sinh viên bị xâm hại, chính cô làm giáo viên sẽ thấy ân hận. Nếu mất việc cô sẽ đi xin ở trường khác.
Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng hiệu trưởng cũng phải cho bạn giáo viên người Mỹ thôi việc. 
Phụ nữ cần bao nhiêu quyền ở trong đời? – Tôi sẽ chẳng nghĩ họ cần thêm bao nhiêu quyền nữa nếu như tôi chỉ nhìn vào thế hệ tôi và bạn bè. Chúng tôi được học hành, có tự do chọn lựa, có thể tự lo thân. Nhưng tôi dần nhận ra rằng quyền của phụ nữ không thể tự có được. Nó bắt đầu từ những thứ vô cùng nhỏ và khó nói, những điều chi tiết sâu kín, vốn bị xã hội coi là đề tài cấm kỵ không bàn tới. 
Tôi cũng hiểu rằng những thứ tầm phào chẳng ai buồn đề cập đến như kỳ kinh nguyệt, băng vệ sinh, quyền được tự do chọn bạn đời, tự do yêu và ngừng yêu ai đó, quyền được điều khiển và bảo vệ cơ thể mình (thay vì để xã hội phán xét và xài xể nó)… sẽ quyết định mức độ tự do mà một phụ nữ dám dũng cảm bước ra khỏi hàng rào vây bọc họ. 
Khi bạn bất ngờ coi được một clip sex trả thù của một tay bạn trai đê hèn nào đó tung lên mạng, nếu bạn lên tiếng để ủng hộ cô gái nạn nhân – bạn đã cho cô ấy thấy cô không có gì phải xấu hổ gì về cơ thể, phẩm giá hay sự bình thường của bản thân. Chính kẻ trả thù mới là đứa đê hèn đáng xấu hổ.
Khi bạn thấy một cô bé học trò nghỉ học sớm vì gia đình muốn em đi lấy chồng, và bạn giúp em được đi học tiếp, bạn giúp một người phụ nữ tương lai không dốt chữ và dám tự chủ sống đời của họ.
Khi ở cơ quan, bạn lên tiếng đòi một hành vi vũ phu, thô bỉ với đồng nghiệp nữ phải bị lên án, là bạn giúp chính bạn đồng nghiệp nữ ấy tôn trọng thân thể họ hơn trước những sự chà đạp vô liêm sỉ.
Hoặc như cô bạn người Thái tôi kể, có khi bạn chỉ cần cho cô người giúp việc trong nhà một phần sản phẩm vệ sinh cá nhân, là bạn đã tăng thêm rất tự chủ cho cô ấy.
Những điều đó, hơn ai hết, khi là phụ nữ, bạn sẽ hiểu người phụ nữ đối diện bạn cần gì. Đó là thứ tự do vô cùng trừu tượng, bí mật, bị che khuất nhưng cực kỳ quan trọng. 
Vì vậy, lần kế tiếp, khi bạn hỏi quyền phụ nữ của mình lớn đến đâu, hãy giúp một phụ nữ gần bên bạn có thêm quyền được là phụ nữ: Thân thể được tôn trọng, tinh thần được cởi trói, và được chăm sóc khi làm mẹ, thai nghén hay đến kỳ kinh nguyệt.
Đó là quyền mà mọi phụ nữ cần.
Khải Đơn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB