37 nguyên tắc giao tiếp cho đàn ông (1)

18 tháng 7, 2017 0 nhận xét
Lời tác giảTrích đoạn dưới đây nằm trong một quyển sách xuất bản năm 1875: A Gentleman’s Guide to Etiquette (Hướng dẫn lễ nghĩa dành cho đàn ông) của Cecil B. Hartley. Những quy tắc của Hartley dù đã hơn 100 năm tuổi, nhưng chúng vẫn còn rất đúng đắn cho đến ngày nay. Trong số đó có một số lời khuyên đắt giá - có khi còn khiến tôi phải phì cười.
  1. Ngay cả khi bạn chắc chắn đối phương sai rành rành, hãy tỏ ra khoan thai, từ chối bàn luận thêm, hoặc khéo léo thay đổi chủ đề, nhưng đừng bướng bỉnh biện giải ý kiến của mình đến khi bạn trở nên tức giận… Có rất nhiều người xem ý kiến của mình là luật lệ, sẽ bảo vệ vị thế của mình bằng những câu từ như: “Nếu như tôi là tổng thống, hay thống đốc, tôi sẽ…” - và với những lý lẽ sục sôi ấy, họ lại chứng minh rằng mình không có khả năng chế ngự tính khí của bản thân, họ sẽ nỗ lực thuyết phục bạn rằng họ hoàn toàn đủ năng lực để điều hành chính quyền đất nước.
  2. Giữ quan điểm chính trị nhất quán nếu có thể, nhưng đừng phô trương nó mọi lúc mọi nơi, và trên hết, đừng cố gắng bắt ép người khác đồng ý với bạn. Bình tĩnh lắng nghe suy nghĩ của họ về cùng một chủ đề, và nếu bạn không thể đồng ý, tranh luận lịch sự, và dù cho đối phương có nghĩ bạn là một nhà chính trị tồi, họ cũng phải thừa nhận rằng bạn là một người đàn ông đích thực.
  3. Đừng gián đoạn lời nói của người khác, nói ra cái tên hoặc ngày tháng mà người khác đang đắn đo là rất thô lỗ, trừ phi họ nhờ đến bạn. Một vi phạm lễ nghĩa nghiêm trọng khác là đoán trước câu chuyện khi người khác đang kể lại, hay cướp lời đối phương và kể lại bằng lời của mình. Một số người viện cớ cho hành vi này, rằng người kể đã phá hư một câu chuyện hay bằng một cách thức tệ hại, nhưng điều này không bào chữa được cho sự việc. Thể hiện cho một người đàn ông hiểu rằng bạn nghĩ người ấy không có khả năng kết thúc một câu chuyện mà chính họ bắt đầu là rất bất lịch sự.
  4. Bạn sẽ trông rất vô giáo dục nếu mang lại bầu không khí mệt mỏi khi người khác đang có một phát biểu dài, cũng như việc nhìn đồng hồ, đọc thư, nghịch nghịch trang sách, hay bất kỳ hành động nào khác cho thấy bạn đang chán ngán người nói hoặc chủ đề đang nói.
  5. Trong cuộc trò chuyện thông thường, đừng bao giờ nói khi người khác đang nói, và cũng đừng bao giờ lên giọng để nhấn chìm người khác. Đừng bao giờ ngạo mạn, hoặc nói chuyện với giọng điệu độc đoán, hãy giữ cuộc trò chuyện luôn hòa nhã và thẳng thắn, không giả tạo.
  6. Trừ phi được yêu cầu, đừng nói về công việc và chuyên ngành của bạn với mọi người, bó hẹp cuộc trò chuyện xung quanh chủ đề chuyên môn của riêng bạn là hành vi thiếu văn hóa và thô lỗ. Hãy giữ chủ đề trò chuyện phù hợp với đối phương. Cuộc trò chuyện chỉ vui vẻ, nhẹ nhàng đôi lúc cũng lạc quẻ như một nhà thuyết giảng ở bữa tiệc nhảy nhót. Hãy giữ cho cuộc trò chuyện nặng nề, nghiêm trọng hay vui vẻ, hân hoan phù hợp với thời điểm hoặc địa điểm.
  7. Trong một cuộc tranh chấp, nếu bạn không thể hòa giải các bên, hãy rút lui. Bạn chắc chắn sẽ có thêm một kẻ thù, hoặc hai, nếu bênh vực bất kỳ ai khi hai bên đã mất bình tĩnh.
  8. Trong một cuộc trò chuyện thông thường, đừng bao giờ cố gắng chỉ tập trung sự chú ý vào bản thân. Một hành vi bất lịch sự khác là trò chuyện với một người trong một nhóm, và lôi họ ra khỏi vòng tròn giao tiếp chung để nói chuyện chỉ với một mình bạn.
  9. Một người đàn ông thông minh và có giáo dục thường rất khiêm tốn. Trong giao tiếp hằng ngày, có thể anh ta cảm thấy mình có nhiều kinh nghiệm học thức hơn những người xung quanh, nhưng sẽ không tìm cách khiến người khác cảm thấy thấp kém hay thể hiện lợi thế của mình trước mặt họ. Anh ta sẽ bàn luận thật đơn giản về chủ đề mà người khác đặt ra, và cố gắng tránh những chủ đề khiến họ không vui vẻ trò chuyện. Tất cả những gì anh nói đều được xem là lịch sự và tôn trọng cảm nhận, suy nghĩ của người khác.
  10. Lắng nghe với sự chú tâm và bầu không khí hứng thú là một thành công vĩ đại, cũng giống như việc diễn thuyết giỏi. Là một người lắng nghe giỏi cũng cần thiết không kém gì là một người nói chuyện hay, và nhờ vào đặc tính của một người biết lắng nghe, bạn có thể phát hiện ra người có thói quen giao tiếp tốt. (còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB