80% chúng ta, trong đời, thế nào cũng có lúc đau lưng dưới.
Hàng
năm, ở Mỹ, cứ 100 người lớn trong hạn tuổi đi làm, đến 50 người đau
lưng. Tiền mất mỗi năm về mọi mặt cho chứng đau lưng lên tới 20-50 tỷ
Mỹ-kim (tiền mất vì không sản xuất, tiền chữa trị, tiền bồi thường nghề
nghiệp, ...). Và đau lưng dưới là một trong những vấn đề khiến người
bệnh đi thăm bác sĩ nhiều nhất. Bệnh xảy ra nhiều nhất trong hạn tuổi 20
đến 40, song nặng hơn ở người cao niên.
Cột
sống, một cơ cấu quan trọng, là nền tảng các cử động của cơ thể chúng
ta. Cột sống vừa vững chắc vừa mềm dẻo. Hai đặc tính tương phản này
khiến cột sống chịu đựng được các sức tác động vào nó do những hoạt động
hàng ngày gây ra. Cột sống gồm 33 đốt sống, được hỗ trợ bởi một hệ
thống nâng đỡ phức tạp gồm sụn, dây chằng (ligaments), bắp thịt, mang
nhiệm vụ giữ các đốt sống luôn ở đúng vào các vị thế của chúng, giúp cột
sống hoạt động linh hoạt.
Nguyên nhân
Vô
số nguyên nhân gây ra chứng đau lưng dưới. Ngoài những nguyên nhân hiển
nhiên như các chấn thương làm gãy cột sống, sau đây là một vài nguyên
nhân dễ hiểu khác:
- Các bệnh nhiễm trùng cột sống: do các vi trùng thông thường, hay do vi trùng bệnh lao.
-
Các bệnh ung thư: ung thư mọc ngay tại cột sống hoặc từ chỗ khác đến
cột sống. Gần như bệnh ung thư của mọi cơ quan, cuối cùng đều có thể
bằng cách này hay cách khác, mon men đến cột sống: ở gần thì lan sang, ở
xa theo máu đến cột sống.
-
Bệnh phình nở động mạch chủ ở bụng (abdominal aortic aneurysm): một
bệnh nguy hiểm, làm chết mau chóng khi chỗ phình nở thình lình bể vỡ.
- Bệnh các cơ quan trong bụng: thận, cơ quan tiêu hóa, cơ quan sinh dục phụ nữ, ...
-
Đau lưng do nguyên nhân tinh thần: bệnh căng thẳng tâm thần (anxiety),
sầu buồn (depression), giả vờ (malingering), chán công việc làm.
Tuy
nhiên, cũng may, cứ 100 người đau lưng dưới, chỉ có ít hơn 5 người (ít
hơn 5%) đau lưng do những bệnh nguy hiểm. Còn hơn 95 vị kia, đau lưng
gây do những nguyên nhân lành, vì cột sống có vấn đề hoặc vì sự suy yếu
của hệ thống nâng đỡ cột sống.
Chúng
ta nên để ý những yếu tố sau để cảnh giác, nghĩ đến các nguyên nhân
nguy hiểm (như gãy xương, nhiễm trùng, ung thư, chèn ép thần kinh tọa)
của đau lưng:
- Người đang hay đã bị ung thư trong quá khứ.
- Xuống cân không có lý do rõ rệt, hoặc sốt, nóng lạnh, nổi hạch, ...
- Khi nằm nghỉ, thay vì bớt đau, lại đau nhiều hơn, hoặc đau dữ dội về đêm.
- Tiêu tiểu bất thường: bí tiểu, són phân hoặc nước tiểu.
-
Tê vùng hậu môn và háng: triệu chứng của "hội chứng đuôi ngựa" (cauda
equina syndrome), báo hiệu nhiều thần kinh của cột sống phía dưới bị
chèn ép, thường là do ung thư.
- Chân yếu và tê: đây là triệu chứng báo hiệu một thần kinh sống đang bị chèn ép.
- Té ngã hoặc tai nạn.
- Đau hơn 4 tuần.
Nếu
không có những triệu chứng kể trên (báo hiệu có thể một bệnh nguy hiểm
nào đó gây đau lưng), đau lưng thường do những nguyên nhân lành. 90 phần
trăm các trường hợp đau lưng cấp tính do nguyên nhân lành sẽ dần thuyên
giảm trong vòng 2-4 tuần lễ.
(Về
bệnh đau lưng dưới lành, không do những nguyên nhân độc, một số yếu tố
khiến người này hay bị hơn người khác: hút thuốc lá; béo mập; phụ nữ;
làm nghề lao động nặng, hoặc làm việc văn phòng ít có cơ hội vận động;
chịu nhiều căng thẳng tinh thần trong công việc; có học thức thấp; không
hài lòng với công việc mình làm; mang bệnh tâm thần; người có bảo hiểm
WorkersCompensation (bảo hiểm đền bồi cho những bệnh gây do công việc
làm).
Từ
cổ trở xuống, giữa các đốt sống, có một hệ thống thần kinh tỏa ra khắp
cơ thể, điều khiển sự cử động, đồng thời giúp cơ thể thâu nhận các cảm
giác. Nếu cột sống sụp, hoặc một đĩa sụn giữa hai đốt sống phình bự ra
(bulging, herniated), một dây thần kinh sống (thường là thần kinh tọa)
có thể bị chèn ép. Thêm vào cái đau do vấn đề của chính cột sống, ta còn
thêm cái nhức và các triệu chứng khác của tình trạng thần kinh sống bị
chèn ép (đau chuyền xuống một bên chân, chân tê hoặc yếu,...).
Triệu chứng
Triệu chứng tùy vào nguyên nhân gây ra cái đau.
Những
trường hợp đau lưng dưới do nguyên nhân lành thường đau nhiều ban ngày
khi ta hoạt động, bớt về đêm khi ta nghỉ ngơi. Một số hoạt động hoặc tư
thế khiến cái đau nặng hơn, thí dụ ngồi lâu, cong cúi, xoay người sang
bên,... Cái đau ở giữa, hoặc một hay hai bên lưng, thường không lan
xuống mông hoặc chân. Tuy có chuyển động và đi lại khó khăn do đau, song
thực ra, chân ta không bị yếu, tê. Ta không nóng sốt, và tiêu tiểu vẫn
bình thường.
Nếu
cái đau của bạn nhiều hơn về đêm, không ảnh hưởng bởi các hoạt động
hoặc tư thế, lan xuống mông, chân, chân bạn yếu, tê, hoặc bạn thêm nóng
sốt, tiêu tiểu bất thường,... bạn nên cho bác sĩ biết để bác sĩ cảnh
giác, tìm hiểu nguyên nhân gây ra cái đau của bạn kỹ hơn.
Thăm khám và chụp phim
Thế
nào bạn cũng nóng lòng, muốn được chụp phim ngay. Nhưng trong đa số các
trường hợp đau lưng cấp tính, với lần thăm khám đầu, phim chụp thường
không cần thiết, nếu ta không nghi gãy xương, vì không giúp gì thêm vào
sự định bệnh hay chữa trị.
Xin
bạn để bác sĩ hỏi bệnh bạn kỹ và thăm khám bạn tỉ mỉ trước đã. Chúng ta
chớ vội chụp phim. Phim chụp ra có thể bình thường, song bác sĩ không
thể bảo rằng vì phim chụp bình thường nên bạn không đau. Phim chụp, Cat
scan, hay MRI có thể bất thường, nhưng không chắc gì cái bất thường này
là nguyên nhân gây cái đau của bạn. Cột sống người trên 30, giống một
cây nhiều tuổi. Cây nhiều tuổi mọc thêm chồi thêm nhánh, da cây sần sùi.
Cột sống cao tuổi cũng sần sùi, có những chồi xương mọc thêm ra, các
đĩa sụn giữa các đốt sống có thể méo mó, phình bự (bulging). Nếu phim
chụp, Cat scan, hoặc MRI cho thấy những bất thường này, thường đây chỉ
là những thay đổi bình thường của cột sống theo tuổi tác, không chắc gì
chúng là nguyên nhân gây đau.
Bác
sĩ nên để ý những triệu chứng báo hiệu người bệnh có thể đau lưng vì
những bệnh nguy hiểm. Hỏi bệnh kỹ, thăm khám tỉ mỉ, thêm vào đó, với một
tinh thần cảnh giác cao, bác sĩ sẽ ít khi sót một vấn đề nguy hiểm
khiến người bệnh đau lưng. 90% người bị đau lưng cấp tính sẽ bớt dần
trong vòng 1 tháng. Sau thời gian này, nếu bạn vẫn còn đau đến độ chưa
làm việc được bình thường trở lại, bác sĩ sẽ thăm khám bạn lại và tìm
hiểu nguyên nhân tại sao cái đau của bạn còn dữ thế, và nếu cần, chúng
ta chụp phim vào lúc này vẫn chưa muộn.
Chữa trị
Đa
số các trường hợp đau lưng dưới cấp tính (vài ngày, vài tuần) do các
nguyên nhân lành sẽ mau chóng thuyên giảm trong 2 đến 4 tuần hay sớm
hơn. Sự chữa trị giúp chúng ta đỡ đau và khó chịu, trong lúc chờ cái
lưng tự nó hồi phục.
Có nên nằm nghỉ?
Trước
các bác sĩ vẫn khuyên người bệnh nằm nghỉ vài ngày. Nay cách chữa này
xưa rồi, vì người ta thấy nằm nghỉ chỉ làm đau lưng lâu lành hơn, do các
bắp thịt vùng lưng thiếu hoạt động sẽ teo nhỏ và yếu đi.
Chúng
ta vẫn nên hoạt động và đi làm như thường, hoặc trở lại công việc càng
sớm càng tốt. Nghỉ ngơi lâu ở nhà sẽ khiến thân xác bạc nhược, tinh thần
rời rã, hết muốn đi làm nữa, và lưng cũng thấy đau hoài. (Nhiều người
có bảo hiểm Workers Compensation đền bù cho những thương tích xảy ra do
công việc làm, thấy đau lưng ở nhà không đi đến sở vẫn có tiền, thôi cứ
đau lưng dài dài cho sướng!)
Chỉ
nên tạm tránh những tư thế hay hoạt động tạo nhiều sức tác động
(stress) trên cột sống, khiến chúng ta đau thêm. Thí dụ, nếu đau nhiều,
chúng ta không nên ngồi đâu lâu quá 20 phút mà không đứng dậy, đi lại
đôi chút. (Dù không bị đau lưng, ta cũng chẳng nên ngồi đâu lâu quá 50
phút mà không ngọ nguậy, thay đổi tư thế, đứng lên đi đi lại lại).
Chúng
ta cũng nhớ, khi nâng nhắc vật gì nặng, giữ thân mình cho thẳng, quì
gối thay vì cong lưng, đưa sát vật nặng vào người (ngang tầm vùng rốn),
từ từ nâng lên. Cũng chớ nên xoay người khi đang nâng nhắc vật nặng.
Thuốc dùng
Đau thường được phân làm 3 mức độ: nhẹ (mild), vừa (moderate) và nặng (severe).
Đau
lưng dưới nếu chỉ nhẹ đến vừa, chúng ta có thể uống acetaminophen
(Tylenol) để chống đau. Thuốc acetaminophen an toàn nhất, ít gây tác
dụng phụ.
Nếu
đau từ vừa đến nặng, chúng ta dùng "thuốc chống viêm không có chất
steroid" như Aleve, Advil, Nuprin, Motrin (mua bên ngoài không cần toa
bác sĩ),... Thuốc nên uống lúc bụng no, vì có thể làm khó chịu bao tử.
Đau quá, các thuốc chống đau loại mạnh có chất nha phiến như Tylenol số 2, số 3, Vicodin,... nếu cần đến, chỉ nên dùng trong một thời gian ngắn vài ngày, chúng có thể gây nghiện.
Các cách chữa khác
-
Xoa nắn cột sống (spinal manipulation): đây là cách chữa các
chiropractor họ làm, tuần một vài lần. Cách chữa này tốn kém hơn, mất
thì giờ hơn. Ta nên tránh phương pháp chữa trị này nếu bạn có triệu
chứng đau lan xuống chân, có thể do thần kinh bị chèn ép
(radiculopathy). Sau 1 tháng, nếu cái đau của bạn vẫn không thuyên giảm,
xoa nắn cột sống không nên được tiếp tục.
- Shoe insoles: dùng miếng lót đặt trong giầy đi cho êm, nếu chúng ta làm những công việc phải đứng lâu.
-
Các đai lưng (lumbar corsets) dùng được, nhưng chỉ với mục đích phòng
ngừa sao cho đau lưng đừng tái phát, cho những người phải làm những công
việc có thể tạo nhiều sức tác động (stress) trên lưng, không có kết quả
trong việc chữa trị đau lưng cấp tính.
-
Châm cứu: châm cứu cũng giúp một số người đau lưng dưới cấp tính, song
cho đến nay không có nhiều khảo cứu về việc dùng châm cứu để chữa trị
đau lưng dưới cấp tính.
Thể dục
Khi
đau lưng thuyên giảm, chúng ta nên bắt đầu tập ngay những thể dục năng
động giúp cơ thể dẻo dai (aerobic conditioning exercises) như đi bộ, bơi
lội, vận động dưới nước (water exercise), đạp xe đạp tại chỗ
(stationary biking), ngay cả chạy chậm chậm (jogging).
Trong
vòng 2 tuần đầu kể từ lúc bị đau lưng, có thể tập tăng dần lên đến
20-30 phút mỗi ngày. Lưng có còn hơi đau hơn một chút vẫn không sao. Nếu
đau nhiều hơn một chút nữa, chúng ta đổi thay thể dục đang tập đôi
chút, hoặc chuyển sang môn thể dục khác. Rồi, vài tuần sau, khi lưng đã
bớt đau, tập thêm những thể dục giúp các bắp thịt của thân mình thêm dẻo
dai (conditioning exercises for trunk muscles).
Những điều không nên làm:
- Không nên dùng những máy tập đặc biệt dùng tập cho lưng.
- Không nên tập những thể dục làm dãn (stretching) các bắp thịt lưng, thí dụ như cong cúi.
Tóm
lại, hàng ngày, ta dùng cột sống của ta vào đủ mọi công việc, vặn vẹo
nó, bắt nó nghiêng bên này ngả bên kia, gập đàng trước, ngửa đàng sau.
Bởi vậy, thế nào cũng có lúc nó đau, nhất là vùng lưng dưới (nhưng cũng
may, thường nó sẽ mau chóng ra đi). Ta gìn giữ lưng bằng cách năng vận
động, giữ thân thể khỏe mạnh (xin nhớ, thân khỏe, lưng sẽ khỏe theo),
luôn có một tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu nghề.
(Bác sĩ Nguyễn Văn Đức)
1 nhận xét:
Hoa ơi rất cám ơn nhé, mình cũng thỉnh thoảng bị đau lưng nhưng lười tập quá, tự hứa với mình sẽ đi bộ buổi tối hoặc buổi sáng vậy
Đăng nhận xét