Tâm Sự Thứ Bảy (21): SỰ BẤT TOẠI NGUYỆN

8 tháng 5, 2012 1 nhận xét

Một người bạn gái thân ở nước ngoài tâm sự với mình rằng lo cho cô con gái đang học ở Mỹ quá, vì nó phải học vất vả, phấn đấu ra trường có việc làm, không là khó ở lại Mỹ, đến nỗi con bé bị stress liên tục. Học yếu một tý: stress. Yêu đương không như ý muốn: stress. Không kiếm được việc: stress. Kiếm được việc nhưng sợ mất việc.. cũng stress. Một cô bạn thân khác ở VN cũng than thở rằng cậu con trai khiến nó phát điên đầu lên, phải gọi cả cảnh sát khu vực đến để.. doạ, vì bố mẹ bất lực, không dậy được con nữa. Rồi, hầu hết bạn bè ở HN tối tối gọi điện, đứa nói đang đưa con đi học thêm toán, đứa khác thì tranh thủ ‘tám’ lúc ‘nó đang học anh văn ở trường, hoặc đàn, nhạc, hoạ’… Chao ôi, muôn vàn cảnh khác nhau nhưng tựu trung là sự bất toại nguyện của từng người, của một gia đình và cả một cộng đồng nhỏ.

Ngẫm lại mà xem, có ai bắt chúng ta như vậy không nhỉ? Sự bất toại nguyện ấy đến từ đâu vậy? Mấy người được hỏi thì nói: “Con mình mà không phấn đấu học hành thì sau này sao đi làm được chỗ tốt?”. Hoặc “Mọi người ở đây đều phải phấn đấu thế H à, phải cho con đi học đủ thứ vì con người ta thế, con mình cũng phải thế..”.

Thế.. là thế nào nhỉ? Lại là khổ đau mất rồi! Ngẫm kỹ lại xem hay ta vẫn lại vì.. TA chứ đâu phải vì NÓ. Này nhé, ‘nó phải học cho bằng con nhà khác’ cũng vì TA MUỐN nó không được kém họ. Nó phải học xong rồi ở lại Mỹ, cũng vì TA MUỐN nó ở đó cho ta đỡ khổ sau này (có khi còn đón ta sang nữa chứ). Rồi cũng lại là TA MUỐN nó phải ‘hơn ta ngày xưa’, là thực hiện được cái ước mơ của ta (mà ta không hoàn thành được). Rồi nó phải ngoan, nghe lời bố mẹ, không được cãi lại ta, vân vân và vân vân….Chẳng phải lại toàn vì TA, vì cái bản ngã này hay sao? Không được như thế là ta khổ sở, lo lắng. Còn con cái ta thì sao? Nó còn khổ sở hơn ta vạn lần ấy chứ, vì nó chính là ‘công cụ’ để bố mẹ nó hoàn thành ước mơ của mình cơ mà! Nếu mơ ước của bố mẹ cũng là mong mỏi, là mơ ước của nó thì là một nhẽ. Nhưng bao nhiêu % các gia đình có được sự hợp nhất ấy? Sao ta không xem con cái ta nó thực sự tài năng ở môn học nào trước khi bắt nó phải theo môn mà ta ‘nghĩ là tốt cho nó’? Sao ta không lắng nghe xem con ta nó muốn gì, thích gì, trước khi dập khuôn theo cái gọi là ‘tốt cho nó’ của ta?

Nói vậy sẽ có người không đồng tình. “Hừm, nó còn bé, biết gì. Không bắt nó như vậy thì sao nó thành người được!”. Thực ra không phải vậy đâu. Đứa trẻ nào sinh ra đã có sẵn những tố chất mà trong môi trường giáo dục của gia đình, trường lớp, xã hội, những tố chất ấy được dịp phát triển, giống như hạt cây đâm chồi, nảy mầm. Bố mẹ, hay thầy cô, chỉ làm nhiệm vụ tưới đủ nước, cho đủ nắng, gió, không khí để cho hại mầm ấy mọc lên mà thôi. Nếu hạt mầm ấy đã là hạt ổi thì sẽ thành cây ổi, không thể lớn lên thành cây na hay cây mít được. Nếu ta cứ bắt nó theo ý ta, khác nào ta muốn nó thành cây na, cây mít, trong khi nó có thể trở thành một cây ổi cho ra trái ổi thơm ngon?

Trong cuộc sống, nghề nào cũng tốt, cũng hay cả. Ví dụ như cùng trong ngành thể thao, có hai người đều giỏi về bóng đá: Một người rất giỏi kỹ thuật, chiến lược, am tường các thế trận, từng vị trí nhưng...không đá banh được vì sức khoẻ không cho phép. Còn người kia ra sân là lao lên phía trước, làm bàn vèo vèo, đấu cả ..5 tiếng liền cũng chẳng sao. Đấy, cũng là hai loại người và đều yêu bóng đá cả đấy, nhưng chỉ có loại sau mới thành cầu thủ thực sự, vì hội đủ cả ý thích, sức khoẻ, và điều kiện luyện tập. Còn loại đầu thì chỉ có ý thích nhưng không đủ sk, dù có cơ hội luyện tập cũng không thành cầu thủ được. Như vậy tuy không thành cầu thủ, nhưng loại sau sẽ có thể trở thành một bình luận viên bóng đá xuất sắc, hoặc một nghề nào đó gần gũi với môn thể thao này, có sao đâu! Có phải cứ ai hiểu, thích bóng đá thì đều thành..David Beckham cả đâu, phải không nào!

Như vậy, muốn cho con mình chọn một ngành nào tốt nhất để theo học ta không nên đi theo  nghề nào đang ‘hot’ trên thị trường mà nên xem con ta thực sự có khả năng ở môn học gì, có sự đam mê thật sự không. Ngoài ra ta cũng phải xem khả năng tài chính của gia đình có thể giúp nó tới đâu, chứ không nên đổ hết cả tài sản, hay vay mượn cho con học ‘cho bằng chị, bằng anh’. Nếu hội đủ cả 3 yếu tố này (đam mê, năng lực, và tài chính) thì chắc chắn nó sẽ thành công trong tương lai!

Thế đấy, trên đây chỉ là một chuyện trong muôn vàn chuyện xảy ra với ta hàng ngày hàng giờ. Sự bất toại nguyện có thể đến bất cứ lúc nào, rình rập xung quanh ta khiến ta dễ dàng bị nó hành hạ, rồi stress, rồi nổi nóng, giận dữ… Tâm thái khi không còn mát mẻ, an nhiên thì trở nên như một vùng đất độc hại, dễ dàng cho đau khổ và bệnh tật được dịp phát triển mạnh mẽ. Nếu ta biết nhìn lại mình, để cho tâm thái mình thật bình yên thì các quyết định mới sáng suốt được. Mà lạ lắm, một khi tâm ta bình an, ta sẽ lan toả được sự bình an ấy sang người khác, trong ngôi nhà mình, nơi ta làm việc, bất cứ chỗ nào ta tới, cả bên ngoài thế giới đấy! Các bạn cứ thử mà xem!

Vậy, hãy sống cho giây phút hiện tại thật tốt trước đã, các bạn nhé, thì tương lai sẽ là hệ quả tốt đẹp. Một khi ta lo lắng thái quá cho tương lai của bất kỳ điều gì, bất kỳ ai (con cái, gia đình hay cho chính bản thân mình) thì ta sẽ đánh mất đi chính hiện tại này. Mà như vậy thì khi tương lai còn chưa tới, có khi ta đã .. ốm, bệnh tật, hoặc gặp những điều bất toại nguyện ngay ngày hôm nay mất rồi!

Chúc cho các bạn luôn thật bình an và hạnh phúc để có thể có những quyết định thật tốt cho chính mình và mọi người xung quanh, các bạn nhé!

1 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB