Quảng cáo trước những chỗ sẽ đi hôm chủ nhật đây

18 tháng 5, 2012 10 nhận xét
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cách Hà Nội chừng 60 km là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam.
Theo thầy Thích Kiến Nguyệt, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, chùa được xây trên trên nền ngôi cổ tự Thiên Ân thiền tự có từ thời Hùng Vương (Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì vào khoảng từ 2879 TCN đến 258 TCN) vốn đã bị giặc Minh (TK 15) tàn phá từ xưa. Vì vậy, nơi đây không chỉ được biết đến là nơi đất linh mà còn là địa danh thu hút không ít du khách thập phương hành hương về cõi Phật và thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình.
 Thầy Thích Kiến Nguyệt cho biết thêm, thiền viện vừa là nơi tu hành, vừa là nơi nghiên cứu đường lối, giáo lí thiền học cũng như lối thực hành về thiền. Vì vậy, thiền viện thường được chọn xây ở những nơi núi cao, tức là những nơi yên tịnh, xa lánh cõi phàm, gần gũi với thiên nhiên, mây núi. Có thể nói đó là một nét đặc biệt trong hệ thống chùa chiền của dòng Thiền phái Trúc Lâm
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được khởi công từ ngày 4/4/2004 với tổng số vốn 30 tỷ đồng, có diện tích rộng 4,5 ha, rừng ngoại vi rộng 50 ha. Sau gần 2 năm xây dựng, công trình mang tầm cỡ quốc gia này đã chính thức hoàn thiện và được khánh thành ngày 25/11/2005. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên có toà Chánh điện cao 17 m, diện tích 673,2 m2, 4 trụ đỡ có đường kính gần 1 m, ở giữa là 3 tượng phật lớn, bên trái là nhà trưng bày các hiện vật có niên hiệu Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Ngoài ra còn có cổng Tam quan, lầu Chuông, lầu Trống, nhà Tổ, Nội Viện...
Thiền viện nằm trên độ cao khoảng 300 m so với mực nước biển nên những hôm trời quang mây tạnh, từ đây có thể phóng tầm mắt tới tận dãy núi Ba Vì, Hà Nội. Đứng sau hậu cung chùa còn có thể nhìn rõ ba ngọn Tam Đảo quanh năm mây phủ.
Đường lên Thiền viện uốn lượn quanh co men theo các triền núi phủ bóng thông xanh. Càng lên cao, con người như càng đi sâu vào cõi thoát tục. Dưới chân núi, ruộng đồng, đường sá, nhà cửa bỗng như lùi lại vào một cõi xa xăm để nhường chỗ cho tiếng gió vi vu, tiếng chuông chùa ngân vọng... Thế mới biết, trải qua bao cuộc bể dâu, Phật giáo Việt Nam vẫn sáng mãi một dòng thiền, ấy là Thiền phái Trúc Lâm.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 20 Thiền viện Trúc Lâm, chủ yếu nằm ở phía Nam. Ngoài Bắc chỉ có 3 Thiền viện và Thiền tự là Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Yên Tử (Quảng Ninh) và Sùng Phúc (Hà Nội).





 Trước lúc thụ trai, toàn thể chúng tăng, ni kính cẩn đọc một bài kệ để tưởng nhớ công ơn của những nông phu đã một nắng hai sương làm nên hạt gạo nuôi sống con người.

 Đường lên Tây Thiên quanh co men theo các sườn núi

 Trên đường tới trai phòng

 Tăng ni các nơi về tham quan thưởng lãm cảnh quan Thiền viện

 Ngôi lán lợp cỏ tranh nằm nép mình dưới tán rừng thông xanh được dùng làm nơi dừng chân nghỉ ngơi cho du khách lên vãn cảnh chùa. 

 Đặt chân đến Tam Đảo vào những ngày hè oi ả này, du khách như lạc vào thiên đường trong lành, sảng khoái đến say lòng.

 Tam Đảo duy trì một nền nhiệt độ lý tưởng từ 18-25 độ C
Cách Hà Nội hơn 80 km, Tam Đảo là khu nghỉ mát lý tưởng của miền bắc. Khu nghỉ mát Tam Đảo nằm lọt trong thung lũng Máng Chi, với độ cao khoảng 1.000 m, nhiệt độ trung bình từ 18 đến 25 độ C.

Cái tên Tam Đảo có được là do ba ngọn núi cao Thạch Bàn, Thiên Thị và Phú Nghĩa nhô lên trên biển mây.   Đứng giữa đất trời, nhìn ba "hòn đảo" nhấp nhô lên trên đám "sóng mây", ta mới hiểu vì sao vùng đất mát mẻ này có tên là Tam Đảo.
 Thiên nhiên đã ban tặng cho Tam Đảo một khung cảnh tuyệt vời: vừa thơ mộng, u tịch, vừa hùng vĩ, huyền ảo trong cảnh mây gió, sương khói vờn trên đỉnh núi rồi sà xuống những thảm cỏ, những ngôi nhà ven sườn núi. Hè về, Tam Đảo vào mùa du lịch đẹp nhất trong năm. 

Hè về, Tam Đảo vào mùa du lịch đẹp nhất trong năm

Khu nghỉ mát Tam Ðảo được người Pháp phát hiện và xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19. Ðến năm 1940, Tam Ðảo đã là một "đô thị" trên núi cao với 145 tòa nhà, biệt thự cao cấp, lộng lẫy; trong số này có tới 60 biệt thự với kiến trúc theo nhiều kiểu cách khác nhau. Nay những tòa biệt thự ngày xưa chỉ còn là phế tích trong hoang tàn, đổ nát, trơ ra những móng, tường, công trình ngầm nằm lẫn với cỏ cây, rêu phong, nắng mưa... Từ trung tâm thị trấn, điểm dừng chân đầu tiên của du khách là tháp truyền hình cao 93 m trên đỉnh Thiên Nhị với độ cao 1.375 m. Ðường đi lên tuy vất vả nhưng lãng mạn, nên thơ. Hoa phong lan, hoa cúc quỳ và các loài hoa dại không tên khác nở đầy lối đi, tỏa hương thơm lạ, mầu sắc rực rỡ... Ở nơi đây nhiều loại bướm đủ mầu rập rờn trên hoa lá, đậu, bay theo du khách như các sứ giả đón khách ghé thăm. Lên tới đỉnh, phóng tầm mắt ra bốn phía là mênh mông trời, đất, gió, mây...

Khu nghỉ mát Tam Ðảo được người Pháp phát hiện và xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19
Cũng từ trung tâm thị trấn, rẽ phải theo lối mòn, hút xuống thung lũng sâu, thác Bạc giấu mình trong núi, bí ẩn đổ xuống dòng nước trắng bạc, lóng lánh ánh mặt trời phản chiếu sắc cầu vồng. Một dòng suối nhỏ từ trên cao 50 m ào ào tuôn nước, thả vào gió tiếng suối, tiếng rừng, tiếng lá dội vào vách đá nghe thâm u như tiếng ngàn xưa... Nước trong và mát lạ thường, đôi chân trần của du khách cứ thoải mái đùa nghịch với nước. Thanh niên nam nữ tụ hội quây quần dưới thác, còn các bậc trung niên cũng không thể cưỡng nổi sức hút của thác Bạc. Con đường lên xuống thác không quá dài nhưng cheo leo với những bậc đá dựng đứng. Du khách mặc dù mệt nhoài nhưng vẫn tươi cười đắc ý vì vừa chinh phục được đoạn đường gian khổ! Nếu thích mạo hiểm, hãy đi xa chút nữa tới đỉnh Rùng Rình, ở đây cây cối, núi non đẹp như trong cổ tích, có nhiều cây to mấy người ôm phủ đầy hoa phong lan, tiếng chim hót ríu rít vang động, bươm bướm bay rợp trời. Xa hơn nữa là Tam Ðảo 2, nơi mà vào thời Pháp cũng là điểm du lịch nghỉ mát lý tưởng, nhưng nay bị bỏ hoang, mang vẻ đẹp hoang dã, cô liêu.

 
 Thác Bạc giấu mình trong núi, bí ẩn đổ xuống dòng nước trắng bạc
Nếu vì thời gian eo hẹp, không thể leo lên được đỉnh Thiên Nhị, bạn hãy leo gần 200 bậc đá đến Ðền Bà chúa Thượng Ngàn. Ngôi đền là nơi lưu giữ một truyền thuyết đẹp. Với khung cảnh mộng mơ của thị trấn miền mây trắng vẫn còn nguyên vẹn. Ðứng trên Cổng Trời hay Bãi Ðá, nhìn xuống thị trấn Tam Ðảo mờ mờ ảo ảo trong những làn sương chợt đến chợt đi ta thấy Tam Ðảo đẹp lạ lùng. Mây mù quấn quýt quanh người, những cơn gió từ cánh rừng thông xanh mơn mởn có thể làm bạn rùng mình giữa ngày hè oi ả.

Hít một hơi căng đầy lồng ngực luồng không khí trong lành của Tam Ðảo
Sau khi leo bộ lên 1.400 bậc đá đứng trên đỉnh Thiên Nhị, dưới chân ngọn tháp truyền hình cao hơn 100 m, với cảm giác của một người vừa chinh phục đỉnh cao, hít một hơi căng đầy lồng ngực luồng không khí trong lành của Tam Ðảo, ta bỗng thấy lòng mình thanh thản. Tất cả những ưu phiền, những lo toan hằng ngày dường như đã bị dòng thác Bạc gột rửa, trôi đến một nơi nào khác xa lắm, lòng người dịu mát, như vừa được uống một nguồn nước thanh khiết
 Susu Tam Đảo ăn ngon, giòn lại đậm đà mà không nơi nào có được
Cũng giống như Sapa hay Đà Lạt, Tam Đảo không chỉ nổi tiếng bởi tiết trời dễ chịu mà còn nức tiếng với các loại đặc sản, điển hình là susu. Người ta bảo susu Tam Đảo ăn ngon, giòn lại đậm đà mà không nơi nào có được. Chính vì thế, đã lên đến xứ sở thần tiên này  ai cũng lỉnh kỉnh những rau, những quả susu còn tươi nguyên mang về làm quà.
 









 Sắc thắm hoa Tam Đảo
Tam Đảo bao đời nay vẫn thế mà lúc nào cũng như tươi mới vẫy chào du khách khắp nẻo xa gần. Thị trấn bé nhỏ xinh xắn ấy hệt chốn bồng lai tiên cảnh cứ níu chân, quyến luyến du khách không nỡ xa rời


 Hoàng hôn trên xứ xanh Tam Đảo


L

10 nhận xét:

  • Như Hải nói...

    Ối giời, Lủng làm người chưa tới Tam Đảo..thèm quá!
    Có thể làm bữa trưa tại chùa được đấy Lủng ạ. Tớ đi đâu cũng 'ăn xin cửa Phật' vừa ngon,lại free!

  • Hà "Béo" nói...

    Hoa ơi tao nghi ngờ lắm, lần trước đi Yên Tử cũng có người hứa là đang ở gần đấy sẽ đến cùng mọi người, liệu lần này thế nào nhỉ?

  • ta thu huong nói...

    Lửng ơi mai nhớ đặt chuông đồng hồ báo thức nhé để bọn này đi còn hỏi đường xem ăn sáng ở đâu ,không khéo ngủ quên ,thì bọn tao lên đến nơi rồi mày lại chưa đến thì mang tiếng là quảng cáo mất công

  • Hà "Béo" nói...

    Kiên ơi ăn sáng ở địa điểm nào đấy để mình bảo lái xe, nếu muốn đi chơi cho mát thì gần nhà mình có hàng bánh mì và xôi mình mua ăn trên xe.

  • Tâm đại tá nói...

    Hu hu mai mình lỡ dịp đi chơi cùng mọi người rồi nhà chồng mình có giỗ lẽ ra thứ 2 nhưng mọi người lại bảo làm chủ nhật khổ thân mình quá đang háo hức đi gặp nhau để buôn 1 tí chán quá hẹn dịp khác vậy

  • Hà "Béo" nói...

    Cả nhà ơi, sáng CN (20/5/2012) 6h15 các bạn có mặt tại 16 Trần Hưng Đạo nhé, mình và Cua sẽ mua xôi, bánh mì để mọi người ăn sáng trên oto, đến Tam Đảo chúng mình sẽ đi theo hướng dẫn viên du lịch tên là Kiên, Kiên có trách nhiệm lo đặt ăn trưa cho đoàn (đoàn mình có 10 người tính cả Kiên). Chúc đoàn mình có một chuyến dã ngoại thật vui và nhiều ảnh đẹp để bà con coi!

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB