Tâm Sự Thứ Bảy (33): Ấn Độ

20 tháng 9, 2015 13 nhận xét
Mình vừa đi Ấn Độ về, cả đi và về là 6 chuyến bay, 1 chuyến tàu đêm, 5 chuyến ô tô hơn 3,000 cây số, qua khoảng 6 tỉnh thành, từ Nam qua Bắc Ấn Độ, từ lên núi xuống đồng bằng...và thấy đất nước của nhà thơ Taigor thật đặc biệt.

Đặc biệt vì nhiều thứ: Từ nhiệt độ có thể lạnh ngắt vài độ đến cái nắng chang chang 50oC. Đặc biệt vì đất nước này không được thiên nhiên ưu đãi, toàn nắng, gió, bụi.. Cây cối bên đường toàn bụi gai, hoặc những cây me dại. Cây trồng thì chỉ có cây bông, các cây có củ và hạt. Thế nên 50% dân số Ấn Độ ăn chay vì.. không có thịt mà ăn. Một khác là phần do đất nước này rất tâm linh, cái nôi của các Đạo: Đạo Hindu thì thờ bò, nên không ăn thịt bò, bò đi đầy đường. Đạo Hồi thì không ăn thịt heo, nên chỉ còn có gà, và cá. Suốt dọc mấy ngàn cây số mình đi qua rất nhiều chợ, 2 lần trông thấy bán 1 ít cá, thì có khoảng...vài trăm con nhặng bu vào, chẳng hề nhìn thấy tôm hay thịt khác bày bán ở chợ, chỉ có rau củ quả.

Ấy nhưng con người của họ cũng đặc biệt lắm, đặc biệt nhất là tính nhẫn nại. Giữa trưa nắng chang chang họ vẫn nhẫn nại đi chân đất, đầu không có nón mũ. Đàn ông hay đàn bà đều lầm lũi đi trong nắng bụi, hoặc ngồi đợi xe đò. Những chuyến xe luôn quá tải, có khi nhiều người ngồi trên mui, hoặc đánh đu bên cạnh. Vậy mà chẳng thấy có tai nạn xe mới lạ, vì người dân họ nhẫn nại và biết nhường nhịn nhau. Riêng khoản này mình phục họ sát đất. Ngoài ra, họ sống hoà thuận giữa thiên nhiên, thân ái với các con vật. Mình thấy chim chóc, sóc, khỉ, chồn... khắp mọi nơi. Ở VN thế nào cũng sẽ bị.. lên bàn làm món đặc sản mất rồi.

Tụi mình ở trên núi cao, nơi không khí thoáng, lạnh, dễ thở, tuy nhiên nước rất hiếm, phải đong vào xô. Nước nóng chỉ có giờ trưa vì chạy bằng điện mặt trời, nên luôn phải tiết kiệm tối đa. Đi Ấn Độ lần này khiến tính tiết kiệm thể hiện hơn cả thời chiến: tiết kiệm điện, nước, và thức ăn. Thức ăn của tụi mình luôn khô, bao gồm cà ri, báng Chabati, một ít quả, củ xào và trà sữa. Ai cũng cố gắng lấy đủ và ăn đủ, không để thừa thức ăn. Người phục vụ trong trường thì cứ muốn múc cho đầy bát tụi mình, còn tụi mình thì luôn cười tươi và say 'no' hoặc 'a little, pls!' (một ít thôi), không sợ phí. Nếu đứa nào ăn thừa, là đứa khác sẽ giúp, cố gắng không để lại thức ăn trên đĩa.

Các buổi học thiền luôn bắt đầu từ 4h sáng, nhưng 3h30 đã có nhạc đánh thức khắp nơi, không thể ngủ được tiếp. Vào phòng thiền có vài thiền sinh vẫn còn ngủ gật hoặc ngáy trong lớp. Chương trình học của bọn mình rất hay, tìm hiểu về chính mình, sống tĩnh lặng để lắng nghe nội tâm, học bình an và yêu thương.

Tụi mình hằng ngày có 1 giờ đi bộ trong yên lặng, theo tiếng sáo, lên đồi cao nhìn bình minh lên. Có buổi chiều lên tảng đá to trên núi ngồi thiền nhìn hoàng hôn xuống thung lũng, có cả một ngày Silence Day, không nói gì từ sáng đến chiều để về với nội tâm. Ở trên núi Abu không có internet, rất ít điện thoại, thế nên 'ta về với chính ta' thôi, mà trải nghiệm và chiêm nghiệm. Lâu lâu dừng lại cả thời gian và không gian thế này thấy mình.. vẫn như một đứa trẻ, và nhìn lại những quãng ngày qua, để biết sống trọn vẹn với hiện tại.

Có buổi thực hành thiền đi, trao nhau ngọn nến nhỏ, nhìn vào mắt nhau thật lâu, gửi gắm tình yêu thương và chia sẻ...rất nhiều thiền sinh đã khóc, nhất là nhóm đến từ Ả rập. Tóm lại thông điệp của chương trình là "Bạn chính là bình an và yêu thương, hãy trở lại để thấy những phẩm chất tốt đẹp sẵn có trong mình, để yêu thương chính mình và san sẻ tình yêu thương và bình an ấy cho mọi người xung quanh và cho toàn thế giới". Vậy thôi.
Ấy mà không phải dễ đâu nhé. Mình rất thích mấy cách, kiểu 'Forgive, and forget' tức là Tha Thứ và Quên Đi! Nghĩa là không giữ hận thù trong lòng, tha thứ xong là quên luôn ngay cả việc làm vị tha đó. Hay 'Use it, or you will loose it' nghĩa là 'Hãy Sử Dụng, hoặc Bạn Sẽ Mất Nó' - Dạy cách mình hãy sử dụng trí tuệ, và năng lượng nội tâm, nếu không mình sẽ đánh mất nó, cũng là đánh mất chính mình, hoặc 'Let it go' (Hãy Để Nó Ra Đi!), dậy cách để cho các suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí, và chuyển hoá các suy nghĩ này bằng các suy nghĩ tích cực, và rất nhiều điều thú vị khác.

Mình xuống núi với 1 hành trang trong tay, bình yên trong lòng, yêu thương tràn ngập trong tâm trí, cả sự phấn khởi và tin tưởng...tưởng đủ để sống tiếp trong đời thường. Thế mà mới xuống núi sống giữa 'những người khốn khổ' có 4 ngày hành hương về đất Phật ở Gaya, Patna, Varansi.. mà sụt mất một ký, tâm trạng đã khác. Đúng là từ học đến hành còn cả khoảng cách xa vời vợi.

Đi Ấn Độ nhiều chuyện để kể, mình viết hết cả quyển vở dày, chia sẻ 1 ít với các bạn, không lại bảo mình 'trốn mất tích' không viết bài trên blog nữa. Đi về thêm yêu đất nước mình quá, yêu con người mình quá, và sao thấy mình thật hạnh phúc được là người Việt Nam. Mình nói thật đấy!

Omshanti! (nghĩa là chúc bình an cả nhà nhé!).

28/11/2012

13 nhận xét:

  • Như Hải nói...

    Thì thấy cả Thiên Đàng và Địa Ngục rồi còn cần gì nữa chứ? Người bạn đi cùng mình bị bệnh tim, bảo bây giờ chết ở đây cũng được!

  • Như Hải nói...

    Đọc cảm nghĩ của cô bé Thiên An, mình đã chảy nước mắt. Đúng là ai đã từng trải nghiệm 1 lần như vậy, sẽ không thể nào quên. Mình post lại chuyến đi Ấn Độ 3 năm trước của mình cho các bạn cùng đọc. Hãy đến Ấn Độ, nếu có thể nhé!

  • Như Hải nói...

    2 trong số 5 người trong bức ảnh cuối đã dứt khỏi bụi trần hoàn toàn sau chuyến đi này. 3 người còn lại không biết lúc nào mới có duyên...

  • Như Hải nói...

    Cảm ơn Hoa. Bạn có một chuyến đi với những trải nghiệm thật tuyệt vời! Nhưng hình như được sống giữa "bụi trần" lại là điều tuyệt vời nhất!... Mỗi sớm thức dậy được nghe tiếng chim hót, thấy trời xanh mây trắng, thấy con đường mùa thu ngập lá vàng, và đôi khi được "tự hát" với mình:
    "
    Trái đất này sẽ nhỏ
    Nếu chẳng ngắm bầu trời !
    Bầu trời này sẽ nhỏ
    Nếu chẳng ngắm mây trôi !

    Tôi có ngôi nhà nhỏ
    Cửa mở khắp phương trời
    Sáng nghe mặt trời dậy
    Đêm vàng ánh trăng rơi.

    Tôi có con thuyền nhỏ
    Neo bến giữa biển đời
    Mênh mang, mênh mang sóng
    Dâng buồm lên chơi vơi.

    Tôi mang nụ cười nhỏ
    Hồn nhiên trong mắt mơ
    Tôi yêu cuộc sống này
    Không hẹp như bàn tay".
    *
    Trương Anh Tú

  • Như Hải nói...

    Dadi Janki, người ngồi bên phải trong bức hình đã 101 tuổi. Bà là người nổi tiếng thế giới vì có nội tâm bình an nhất với các thí nghiệm của Mỹ và hàng trăm đầu sách được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB