Cảm nghĩ của cô bé Việt Kiều Đức - Thiên An

20 tháng 9, 2015 1 nhận xét
Thiên An là một thiếu nữ tuổi 18, sinh ra và lớn lên tại CHLB Đức. Vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, Thiên An được mẹ cho đi hành hương Ấn Độ, đến chiêm bái các thánh tích Phật giáo. Thiên An cùng mẹ về Việt Nam, tham gia với một phái đoàn 34 người lên đường đi Ấn Độ trong khoảng thời gian Phật đản vừa qua. Trở lại Đức, Thiên An viết một bài cảm nghĩ bằng tiếng Đức. Bài cảm nghĩ cho thấy tâm tư chân thành của một thiếu nữ người Việt. Sau đây là bản dịch Việt ngữ.
Từ một tuần nay con đã về lại Đức và trở lại đời sống hàng ngày bình thường. Con lại sinh hoạt với những khuôn mặt cũ, mua sắm trong những cửa hàng quen biết, sống lại đời sống bình thường của mình.
Thế nhưng không phải cái gì cũng như xưa, như chính con cũng thế. Chuyến du hành của con trong tháng Năm vừa qua đã thay đổi điều gì đó trong con và con nghĩ rằng mình không còn hoàn toàn như con người cũ, con người trước đó của con.
Con vẫn biết là con người luôn thay đổi, nhưng con không bao giờ ngờ là 11 ngày mà có thể tạo nên một tác động nào đó trong mình. Con đã nghĩ rằng, mọi sự thay đổi phải cần đến thời gian và sự khế hợp. Thế nhưng chuyến hành hương đến Ấn Độ và Nepal này, dù kéo dài chưa đầy hai tuần, đã lưu lại trong con những ấn tượng không thể nào quên.
Trong ngày đầu tiên, khi mọi người gặp nhau ở sân bay, con thấy mình trong một đoàn thể, trong đó có ba vị Tăng Ni và nhiều khách hành hương khác. Hầu như mọi người đều thuộc lòng các lời cầu nguyện như thể từng mỗi ngày mỗi đọc, con có cảm giác mình lạc lõng. Thế nhưng cảm giác này sớm biến mất. Dù con thuộc những người trẻ nhất trong nhóm, chưa bao giờ làm quen và thực sự biết đến đạo Phật là gì, con lại không bao giờ thấy điều đó là thiệt thòi cho mình trong những ngày sau. Ngược lại, cũng chính vì chưa bao giờ con suy tư về niềm tin tôn giáo này, con thấy mình như một tờ giấy trắng, tâm mình rộng mở và tò mò muốn biết tất cả những điều mới, những điều mà con sẽ chứng nghiệm và học hỏi.
Và con đã thấy, biết được nhiều: con biết điều xảy ra là dù ngồi trong bóng mát, tuyệt đối không làm gì cả, không nhúc nhích dù chỉ một li, thế mà vẫn đổ mồ hôi như mình mới chạy marathon. Con biết, người ta có biện pháp để lái một chiếc xe buýt du lịch tránh nạn kẹt xe, là cứ đơn giản chạy qua bên kia đường đi ngược dòng xe cộ. Con cũng học được, sau một thời gian ngắn ngủi, không còn thấy xấu hổ khi phải đi toilette ngay giữa thanh thiên bạch nhật và biết người Ấn Độ xem ra sẵn sàng cho người khác đi tiểu trong sân nhà mình, khi một đoàn 40 người Việt Nam đang tức bụng muốn đi mà xung quanh không có buồng vệ sinh nào cả.
hanh-huong-an-do3Thế nhưng không phải điều gì cũng vui và kỳ lạ cả. Một nước, mà phần lớn người ta liên tưởng đến từ “thầu phụ Outsourcing”, đến nền điện ảnh Bollywood và cũng là đối thủ kinh tế mạnh nhất của Trung Quốc, nước đó cho con thấy một khía cạnh hoàn toàn khác. Lần đầu tiên con thấy cảnh nghèo khổ, một cảnh mà con cho rằng trên thế giới này đã từ lâu không còn nữa. Chưa bao giờ trong cuộc đời êm ái của con, trong một nước Đức sạch sẽ và giàu mạnh, con chứng kiến sự việc con người phải cần đến phân thú vật làm chất đốt để nấu ăn cũng như đem lại một tí hơi ấm cho mùa đông. Chưa bao giờ con thấy hàng chục đứa trẻ ngâm cứng mình trong sự bẩn thỉu phải đánh nhau vì một nắm kẹo. Con chưa hề ngờ trong một nước đang lên về kinh tế như Ấn Độ lại có cảnh tượng này.
Thế nhưng những ấn tượng sâu sắc nhất mà con nhận được lại chính là những ấn tượng thuộc về tôn giáo. Đích thực biết bao khi được đến bốn chỗ, nơi Phật ngày xưa đã sinh ra (Lumbini), nơi Ngài giác ngộ (Bodhgaya), nơi Ngài chuyển pháp luân (Sarnath) và cuối cùng nơi Ngài nhập diệt (Kushinagar). Đối với con đã rõ, Phật không phải là một con người của kinh sách, không phải là một phần của những câu chuyện hay, mà Phật thực sự có thật, đã thực sự lay động con người và đã truyền bá Phật pháp lần đầu tại Ấn Độ. Cũng thật là khó tin và cảm động khi nhận biết rằng Ngài đã đi qua một quãng đường dài và nhọc nhằn, con đường mà chúng con thoải mái, dễ chịu ngồi trên xe buýt mát lạnh.
Trong thời gian trước chuyến hành hương, con hay buồn bã và cũng chóng bực tức, cũng có khi nản lòng vì những duyên cớ mơ hồ nào đó mà bản thân con không rõ hết. Thế nhưng khi con bắt đầu đi lại con đường của Phật bằng chính đôi chân của mình và đến những chốn, nơi Ngài từng sống thực tại đó, thì có một điều như đã xả bỏ trong con. Con cảm nhận một cái gì đó, nó làm con an lạc; năng lực của Phật, nó cho con sự dễ chịu và an tĩnh. Nó không phải là một cái gì to tát hiện ra cho con, không phải là cái gì choáng ngợp, nhưng đối với con là một cái gì đó đã ghi dấu ấn chắc chắn trong tâm con.
hanh-huong-an-do4Trên chuyến đi mỗi người chắc ai cũng cảm nhận cho mình một Thánh địa, nơi đó mỗi người nhận thấy ấn tượng nhất. Thí dụ mẹ con, bà thấy tại Kushinagar là nơi hết sức cảm động, nơi Phật nhập diệt. Điểm đến của Thánh địa này rơi đúng vào ngày mà ba năm trước đó, ba của mẹ tức là ông ngoại của con, đã mất và vì thế tạo dịp cho mẹ nhớ đến ngày mất của ông một cách hết sức đặc biệt.
Đối với con thì rõ rệt là những ngày tại Bodhgaya, Bồ Đề Đạo Tràng, đã gây xúc động nhất. Không chỉ vì, Phật đã giác ngộ tại đó, và đúng lúc đó cũng là ngày Phật đản sinh, vì thế rất nhiều Phật tử từ các nước xa xôi nhất đến tham dự.
Tại Đức thì tín đồ Phật giáo có nghĩa là hành trì niềm tin đó tại nhà và một mình, theo sự hiểu biết của con. Tại Việt Nam lần nào con cũng cảm thấy hạnh phúc khi đến chùa chiền, nơi đó con như gặp lại bạn đạo Phật tử. Thế nhưng tinh thần và và không khí Phật pháp tại Bodhgaya thì con chưa bao giờ được chứng kiến.
Thật không tưởng tượng nổi khi thấy biết bao người là Phật tử, hết lòng phục vụ cho niềm tin và hành trì tôn giáo của mình. Khi mọi người leo lên đến động tu ngày xưa của Phật, nơi mà Ngài đã tu khổ hạnh sáu năm, lúc đó thật là một cảm nhận vô song. Mới đầu thì sự chen lấn làm con khó chịu, vì bị xô đẩy và vì trời nóng khủng khiếp. Thế nhưng chỉ sau một lúc thì con thấy hạnh phúc và ngạc nhiên thấy mình trong một tập thể, trong đó con có cảm giác được thuộc về, đồng thời con vui thích thấy đạo Phật đã đến với biết bao người.
Đường đi đến cây Bồ-đề thật là tuyệt, tâm con cảm kích khi thấy nhiều người đi chân trần trên con đường nóng hầm hập và đầy cát đá. Cùng đi là rất nhiều cụ già đã vượt qua được con đường dài sáu cây số, điều mà con không ngờ. Qua đó con thấy, niềm tin tôn giáo có thể cho ta một sức mạnh và sức chịu đựng như thế nào. Những ngày sau chỉ làm ấn tượng đó thêm mạnh mẽ. Một rừng áo choàng đỏ của các vị sư, một hàng người bất tận nối đuôi nhau dưới mặt trời cháy bỏng, chờ để được vào đền thờ. Thật đáng kinh ngạc!
Ngồi dưới cây Bồ-đề cũng thật tuyệt diệu, cầu nguyện cho gia đình và cho thân nhân, lắng nghe sự hòa hợp quanh mình và ngắm nhìn những ngọn lá xanh non của cây Bồ-đề rụng xuống. Đã lâu rồi con chưa cảm nhận được niềm hạnh phúc, an lạc và sự tin tưởng như thế này.
Bây giờ con cũng có thêm một niềm tin khác nữa, niềm tin mình sẽ đi vào sâu trong đạo Phật và tìm trong đó con đường, điều đã làm con hạnh phúc.
Trong chuyến đi này con đã nhận được nhiều. Những mẩu chuyện do chú Toàn kể về đất nước Ấn Độ cũng như nhiều chuyện liên quan đến cuộc đời hoằng hóa của Đức Phật, chúng đã thu ngắn và làm cho quãng thời gian dài ngồi trên xe buýt nhiều hứng thú. Những ấn tượng từ đất nước của Phật, những con người mà con đã làm quen, những người mà con vui lòng sẽ cùng thực hiện lại một chuyến hành hương khác. Cuối cùng là con đã tìm ra cho mình một niềm tin tôn giáo, đó là điều mà con khá chắc chắn.
(Trích thư của Thiên An -Báo VH Phật Giáo)

1 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB