Tâm Sự Thứ Bảy (95): Cứu hay không cứu người?

30 tháng 9, 2015 0 nhận xét


Mình đọc trên báo có rất nhiều trường hợp như: Để cứu được 2 em đang bị dòng nước cuốn trôi, em A đã nhảy xuống cứu bạn. Kết quả là sau khi cứu xong 2 em thì A đã bị đuối nước và đã chết sau đó. Rồi, một người đã cứu 1 người trên đường bị tai nạn giao thông, anh ta đã sốc bệnh nhân lên mang đi cấp cứu và làm gãy xương sống khiến cho người bệnh bị liệt suốt đời. Rồi nữa, bác sĩ trực cấp cứu ra tay cứu bệnh nhân vừa bị tai nạn được người nhà đưa vào bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh nhân đã không qua khỏi, người nhà bệnh nhân bức xúc xông vào đánh bác sĩ và kết quả là bác sĩ trực bị trấn thương sọ não.... Và còn rất nhiều những tin tương tự đầy dẫy trên mặt báo ở Việt Nam mỗi ngày.

Vậy, ta nên cứu hay không cứu người? Nếu nên cứu thì cứu ra sao cho đúng cách đây hả bạn? Nếu không, thì chuyện gì xảy ra?

Trước khi trả lời câu hỏi này, mình kể thêm hai câu chuyện nhỏ nữa nhé.

Chủ nhật vừa rồi đến trung tâm Thiền mình được nghe câu chuyện của 1 người bạn kể lại, rằng có một em gái đã định tự tử hôm đó. Nhưng buổi sáng đến thiền lần cuối em gái đó nhận được 1 lời chúc phúc (là 1 tấm thiệp nhỏ tương tự như hình ảnh). Chỉ một câu nói trong tấm thiệp thôi mà đã giữ em ấy không tự vẫn nữa.

Một bạn gái khác trong nhóm yenlang.net (sau này mới tâm sự với mình rằng) ngày hôm đầu khi gặp nhóm mình, bạn ấy cũng đã rất chán đời, đau khổ vì có..5 đứa con mà chồng có bồ có thêm.. 2 đứa con nữa. Bạn ấy cũng muốn tự vẫn cho xong. Thế nhưng khi nói chuyện với tụi mình, được nghe về những hoàn cảnh khác trong nhóm bạn hiểu được quy luật nhân quả, vô thường, nên sau đó đã chấp nhận thực tại và vui vẻ sống.

Thường chúng ta cứ nghĩ khi cứu một ai đó trong hoạn nạn, chết đến gang tấc mới gọi là ‘cứu’. Còn trong cuộc sống, nhiều khi chỉ một câu nói, một lời nhắn, một câu chuyện tưởng bâng quơ cũng có thể cứu cả một đời người. 

Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp ‘thấy vậy mà không phải vậy’. Ta cứ tưởng ta làm việc tốt, giúp người, vậy mà kết quả lại ngược lại, bạn có thấy vậy không?

Trong nhà Phật có câu chuyện thế này: “Sư Phụ và chú tiểu cùng ở trên chánh điện. Có một nhà giầu vào lễ Phật. Nhà giầu làm lễ xong lui ra thì làm rơi ví tiền. Khi đó có một người nghèo bước vào nhặt được túi tiền liền về nhà ngay. Sau đó có một chàng trai vào lễ Phật. Đúng lúc người nhà giầu trở lại tìm ví, thấy chàng trai liền túm lại và đòi tiền. Hai bên xô xát, một bên một mực khẳng định  bên kia lấy tiền một bên không chịu nhận, không bên nào chịu dừng. Chú tiểu thấy vậy liền lên tiếng. Kêt quả là người giàu đi tìm nhà nghèo để đòi tiền, còn a thanh niên kịp lên tàu ra khơi.”

Chú Tiểu đã làm một việc tốt phải không? Đúng quá, vì đã nói rõ ngọn ngành giải oan cho anh thanh niên và giúp nhà giàu tìm lại tiền. Thế nhưng, chú tiểu bị Sư Phụ cho 1 bạt tai đau điếng. Tại sao? Sư phụ của chú nói:“ Con có biết nếu để yên thì số tiền kia cứu được một gia đình 4 miệng ăn đang vào chỗ chết đói ngày hôm đó không? và người thanh niên vì cãi nhau sẽ bị muộn chuyến tàu ra khơi, sẽ tránh được tai nạn không? Giờ thì bão đã đến và con tàu đang chìm ngoài biển đó!”.

Thật bối rối phải không bạn? 

Mình cũng từng hỏi thầy Viên Minh rằng, làm sao con giúp người bạn đang đau khổ hết khổ? Thầy đã chả nói là "Hãy để yên. Khi người đó đến tận cùng của khổ đau a ta sẽ học ra baì học giác ngộ giải thoát. Con tưởng là giúp họ lại chỉ làm cho họ mất đi cơ hội học hỏi, và còn vận thêm nghiệp vào thân mà thôi. Pháp luôn luôn vận hành hoàn hảo. Con biết không?”.

Vậy phải làm sao đây? Có khi cứu người, người sống, ta chết. Có khi tưởng cứu người, lại làm chết người. Có khi tình cờ, thì lại cứu được người, cố tình cứu thì lại làm khổ thêm người khác.... Vậy lúc nào ta nên cứu, nên giúp người đây bạn hả? Nếu sợ cộng nghiệp thì có nên cứu không? Và, nếu được, thì nên cứu ra sao cho đúng cách?

Theo mình, nếu trước một hoàn cảnh/tai nạn bất ngờ nào đó mà bạn không suy nghĩ đắn đo gì khi trong đầu chỉ có một câu nói hãy cứu người này’, thì bạn hãy ra tay cứu một cách vô tư, cho dù sau đó có xảy ra điều gì thì cũng chấp nhận. 

Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp chúng ta cần phải có trí tuệ (có nghĩa là phải bình tĩnh và sáng suốt đánh giá tình hình trước khi bắt tay vào cứu) nghĩa là phải ‘biết cách cứu’. Ví dụ như phía trên, khi người nạn bị chấn thương cột sống thì cách cứu tốt nhất là ..để nguyên hiện trường, gọi cấp cứu, đồng thời giữ tinh thần cho họ, nói chuyện để họ k rơi vào hôn mê.  Hoặc nếu thấy người bệnh lên cơn co giật, tay chân cứng (nhưng k bị nôn ói), cần lấy kim chính 10 đầu ngón tay và rái tai nặn máu ra, trước khi di chuyển... 

Và cũng trong một số trường hợp, ta chỉ nên chỉ dẫn phương thức cho họ tự hiểu ra khổ đau của mình, để biết về nhân quả và nghiệp báo, ta không nên xen vào là tốt hơn.  Bởi cái 'ta thấy, ta nghĩ, ta tin là đúng' lại chỉ là hết sức cảm tính, đúng cho hoàn cảnh của riêng ta mà thôi.

Vậy đó, bạn à, nếu như bạn còn phân vân và nghĩ đến nghiệp quả, bạn chùn bước và im lặng bỏ qua thì cũng là quyết định của bạn. Không ai trách bạn cả, đôi khi lại là tốt cho cả bạn và họ. Tuy nhiên, sau chuyện đó, điều quan trọng là tâm bạn phải bình an mới được. Nếu tâm bạn không bình an thì có gì đó sai trong quyết định của bạn. Chỉ có bạn mới biết là nên làm như thế nào mà thôi.

Bài học vẫn là hãy ‘thận trọng, chú tâm, quan sát’ để làm mọi việc một cách ‘sáng suốt, định tĩnh, và trong lành’ nhé. Nói với bạn cũng chính là tự nói với mình. Chúc cho tất cả chúng ta luôn trọn vẹn an vui, có thể giúp đỡ mọi người trong khả năng và nhận thức của mình, bạn nhé.

Admin 30/9/2015


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB