Tâm Sự Thứ Bảy (117): Điều mà trẻ con cần học là có một thái độ sống

10 tháng 7, 2016 2 nhận xét
Bố mẹ nào khi sinh con ra cũng rất yêu con, mong cho con sung sướng và hạnh phúc, mong cho con không bị bất hạnh và tổn thương, mong cho con luôn học giỏi... và còn có rất nhiều những mong muốn hết sức chính đáng khác. Tuy nhiên, đứa trẻ có cảm nhận được điều ấy một cách đúng mức không; nó sẽ học được gì từ những sự việc và những hoàn cảnh xảy ra với nó, hoặc với những đứa trẻ khác, những người xung quanh, mới thực sự quan trọng. Bởi vì đó chính là từng nét vẽ cho bức tranh còn trắng toát của trẻ. Đẹp hay xấu, vui hay buổn, khổ đau hay bất hạnh.. là do chính nó. Chúng ta, những ông bố, bà mẹ chỉ là những người dẫn dắt ('the guide') người đồng hành cùng chúng một đoạn đường đời, đôi khi chỉ là những‘công cụ’ giúp trẻ thực hiện, lấp đầy thêm những kiến thức cuộc sống cho trẻ. 

Một cô bạn thân của mình yêu con lắm. Một lần một đứa trẻ hàng xóm đánh con, chưa biết ra sao, thấy con khóc, cô xót ruột chạy tới la cho cậu bé hàng xóm một trận. Mẹ cậu bé chạy ra cũng bị cô mắng luôn về việc không biết dạy con, để con đánh bạn và lôi con xềnh xệch về nhà. Vừa đi vừa an ủi con và bảo: “Không chơi với nó nữa, nó hư lắm, lần sau nó có đánh con con ..đánh lại, biết chưa?”.

Một người bạn khác vừa đăng status trên FB hả hê khi cho ‘bà hàng xóm’ biết tay vì đã dám mắng con gái cưng của anh ta, khiến cô bé khóc, anh xót xa lắm. Anh đã phải ra mặt làm ‘anh hùng’ để bảo vệ con gái mình.

Cả hai sự việc đều giống nhau, đều thể hiện sự yêu thương với con quá đỗi. Cả hai đứa bé đều rất hả hê, sung sướng (hẳn rồi) vì được mẹ, bố ‘cho đối phương một trận’. Hẳn nhiên, bố mẹ yêu quý và bảo vệ nó bất kỳ khi nào. Nhưng câu hỏi đặt ra là, hai đứa trẻ ấy sẽ học được gì từ bài học này, hay chỉ là ‘nó đúng, người kia sai’. Hay là ‘ khi bị ăn hiếp thì khóc to lên để..gọi bố mẹ’, hoặc ‘hãy đánh trả đối phương’?

Thực ra, chưa biết hai bố mẹ trên đã hiểu thực sự câu chuyện đằng sau ấy chưa. Phải có lý do gì đó thì mới có chuyện xảy ra chứ? Có thể lý do đó đến từ con bạn, hoặc đến từ đối phương (nguyên nhân trực tiếp), mà cũng có thể đến từ một ai đó khác, một chuyện gì khác (nguyên nhân bắc cầu/gián tiếp). Bạn bảo:”Con tớ bị oan”. Ừ, có thể lắm. Nhưng ngay cả khi như vậy thì thái độ của bạn ra sao sẽ ảnh hưởng rất lớn lên nhận thức của đứa trẻ, nhất là thái độ của nó đối với hoàn cảnh và con người xung quanh khi gặp chuyện tương tự đấy. 

Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc nói với con (thay vì phản ứng với đối phương của con), rằng: “Vậy à, chắc là bà ấy/bạn ấy đang buồn khổ điều gì nên mới hành xử thế con ạ”. Hoặc: “.. đôi khi người lớn cũng không biết rõ họ làm thế là đúng hay sai bởi vì họ đang có chuyện buồn trong lòng. Nếu mà vui thì chẳng bao giờ làm vậy phải không con? Tha thứ cho bà ấy nhé?”. Như vậy, bạn đã dậy con nhìn nhận vấn đề/hoàn cảnh một cách nhẹ nhàng hơn, vừa cho con học thêm được bài học của sự cảm thông người khác ngay cả khi họ làm lỗi với mình. Khư khư bảo vệ con là vô tình bạn đã làm trượt tiêu mất bài học về ‘xây dựng tính quan sát một cách bao quát’, ‘sự phản ứng thông minh trong mọi hoàn cảnh’, ‘sự thấu hiểu và nhường nhịn’, ngược lại, bạn có thể làm tăng tính ‘kiêu ngạo’ và ‘cái Tôi’ trong nó lớn hơn.

Bạn có thể ở bên cạnh con 100% thời gian không? Càng lớn thời gian ấy càng ngắn dần đấy. Hầu hết các ông bố bà mẹ đều lo sợ điều đó. Làm sao cho khi con còn bé bảo vệ nó trong vòng tay của mình, kiếm tiền nhiều nhất có thể lo trường tốt, lớp tốt cho nó, đưa nó đi học thêm các nơi để rồi ‘phải’ đi học nước ngoài cho bằng chị bằng anh...(Chưa thấy kết quả, mà hậu quả là bố mẹ đã bạc hết cả tóc rồi!).

Con của người bạn mình được bố mẹ dồn tiền cho học trường quốc tế. Vậy mà khi về nhà bố mẹ lại tiếp tục ‘bắn’ tiếng Anh với con suốt. Khi làm vậy là bạn muốn ‘thực tập tiếng Anh của bản thân mình’ hay là ‘giúp cho con tư duy tiếng Anh’ tốt hơn đây? Nói thật, thường là vế 1 thôi, vì tụi nó đã đủ giỏi hơn chúng ta khi được học trong môi trường ấy suốt 8/24 giờ ở trường rồi. Trừ 8h đi ngủ, nó chỉ còn có 8h (hoặc ít hơn) được tiếp xúc với văn hoá Việt thông qua chúng ta. Đáng ra phải dậy cho nó tiếng Việt cho vững, hình thành tính cách thông qua những sách tiếng Việt, thêm nhiều kỹ năng sống trong môi trường người Việt (ngoài môi trường khá hoàn hảo mang tính quốc tế ở trường) thì chúng ta lại vô tình khiến cho trẻ xa rời hơn nữa văn hoá Việt. Những nét văn hoá Việt, những câu chuyện đáng học hỏi của người Việt từ sách vở, từ ông bà bố mẹ Việt, những món ăn Việt, những nhận thức từ cả xã hội và con người Việt mà chúng đang sống, tiếp xúc hàng ngày có thể làm giầu biết bao vốn sống cho nó, hình thành nhân cách cho nó. Không xây dựng lúc này thì là lúc nào đây?

Mình có hai cậu con trai. Cậu bé đến giờ 16 tuổi hoàn toàn không bị bị roi vọt bao giờ. Mắng cũng ít lắm, đếm trên đầu ngón tay. Cậu lớn thì bị vài lần phát roi vào đít và bị mắng nhiều hơn, môi trường học tập cũng không bằng. Thấy rõ, cậu thứ hai được hình thành tính cách một cách tốt hơn, điềm đạm và biết xử trí thông minh hơn anh. Mình thấy, khi càng có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm dậy con của mình cũng tốt hơn. Mình thường rút kinh nghiệm từ sai lầm của bố mẹ mình để dậy cho đứa đầu, rồi rút kinh nghiệm của việc nuôi đứa đầu cho đứa sau. Mình cũng có nhiều sai lầm chứ, đã từng xin lỗi con rồi chứ. Quan trọng là mình tôn trọng chúng như bạn.

Mình cũng thấy, để hiểu được chúng, muốn chia sẻ với con cái về những gì chúng đang quan tâm, đôi khi phải chơi cùng nó (cả game, cả xem phim, đọc truyện animate...) để qua đó dễ tiếp cận với nó trong vai ‘người bạn’ thay vì ‘người mẹ’ hay ‘người bố’. Ngoài ra, mời chúng tham gia các hoạt động trong nhà, để có thêm trách nhiệm với gia đình, tham gia các hoạt động ngoại khoá ở trường/lớp, các chuyến từ thiện xa với trẻ khuyết tật, người neo đơn.. để hiểu những sự khác biệt của cuộc sống và là những bài học quan trọng cho nó. 

Mình vẫn  thường tâm niệm những bài học ấy quan trọng hơn rất nhiều là học văn hoá, học Anh Ngữ.. Kiến thức nó có thể tự học, và ở trường các thầy cô đã dậy là quá đủ rồi. Cái chúng thiếu đó là một thái độ sống đúng đắn, các kỹ năng ứng xử, giao tiếp, cách xử lý trước những thách thức và tình huống bất như ý ('như ý' thì cũng phải học, nhưng dễ hơn).

Một đứa trẻ luôn học hỏi và hình thành nhân cách trong suốt quá trình sống, từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành. Nó chỉ có 18 năm bên chúng ta thôi. Nó có thể nhờ chúng ta mà được có một tuổi thơ với những ký ức thật đẹp và trải rộng. Tuy nhiên đôi khi chúng ta tự cho quyền nhào nặn nó theo cách của riêng mình mà không biết lắng nghe trẻ. 

Ngày nay môi trường của tụi nhỏ là một thế giới mở, thật có, ảo có, không giống trong những năm 70-80 của chúng mình. Vậy nên cách tiếp cận của tụi nhỏ cũng phải khác trước. Nên hướng cho chúng xử lý thông tin tốt hơn, đúng mức thay vì tắt hết internet vì lo chúng hư nhé. Hehe. Hãy công bằng với chúng đừng bắt chúng sống giống như ta đã sống, đã lớn lên trong chiến tranh và môi trường của quá khứ. Chúng đang học từ bố mẹ, và ngược lại chả phải chúng ta cũng đang học được rất nhiều từ chúng đấy sao?

Chúc cho các bạn vừa là người thầy tốt, vừa là người bạn tốt của con cái bạn nhé!
Nice week end cả nhà!
BH 10/7/2016


2 nhận xét:

  • Vũ Trụ nói...

    Trẻ con bây giờ ít được sống và học tập trong môi trường tự nhiên lắm, nên trở thành máy móc, theo khuôn phép và trong sự sợ hãi con hư của cha mẹ, chưa kể là phụ mẫu mỗi người một ý...hehe, có nhà vừa dạy dỗ con vừa phải nghe ngóng xem bậc kia đã làm gì để còn có cách giải thích, điều chỉnh chúng nó sao cho mọi thứ đi đúng quỹ đạo của nó thôi...haiz

  • Như Hải nói...

    Mình chấp nhận một ngày có thể thằng con sẽ có 1 hình xăm trên người, hoặc nó bảo: " Mẹ, con đã có bạn trai!" thì cũng bình thường thôi mà! Hehe.

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB