Tâm Sự Thứ Bảy (119): Kẻ đến sau...

13 tháng 7, 2017 3 nhận xét

Sáng nay lấy hũ mật ong ra thì thấy một loạt kiến chạy ra. Trên bề mặt có rất nhiều con đã chết. Chúng chết ngay trong hũ mật đầy ắp mà chắc là trước đó đã hăm hở xông vào. Chợt lặng người vì thấy ra nhiều điều: Lũ kiến chết là lũ kiến đã tiến vào nhanh nhất, ngụp lặn trong hũ mật trước nhất và để rồi dính vào không gỡ ra được nữa. Trong khi lũ kiến đến sau đã không vào được sát mật nhưng nhờ thế chúng không bị chết oan uổng, cho dù đó là cái chết ‘ngọt ngào’. Vậy thì trong trường hợp này những con kiến đến sau lại thành ra may mắn hơn những con đến trước, phải không? Người xưa chả đã nói: “Trong cái rủi có cái may” đó sao!

Ngẫm chuyện lớn hơn, mình đã hai lần sang Myanmar khi đất nước ấy vừa mở cửa mấy năm trước. Hình dung nước Myamar cũng giống y như một hũ mật ong mà các doanh nghiệp nước ngoài từ khắp nơi xông vào xâu xé. Không nói là tất cả họ không ‘kiếm chác’ được gì, nhưng rất rất nhiều doanh nghiệp đã thất bại, mất tiền bởi chính sách thay đổi như chong chóng của đất nước ấy và nạn tham nhũng hoành hành. Duy chỉ có các doanh nghiệp lớn từ Mỹ là vẫn bình chân như vại. Họ vẫn chưa vào Myanmar đâu nhé.  Tại sao ư? Vì họ đợi cho đến khi mọi thứ xẹp xuống, các giá trị ảo, giá nhà đất ảo trở về lại như cũ, các chính sách đầu tư ổn định, lúc đấy tiến vào họ sẽ gặp ít  rủi ro. Vậy thì họ, người đến sau là khôn hay dại đây?

Mình còn nhớ rất nhiều những cuộc vui, đông người như những buổi trình diễn ngoài trời của các ban nhạc nước ngoài ở nhiều nơi trên thế giới (và cả ở Sân Mỹ Đình, HN vừa qua) bị sập khán đài. Hay gần đây nhất là vụ ‘hỗn loạn’ ở Đền Trần, Đền Hùng. Tại sao người ta cứ phải lao lên phía trước? Tại sao cứ phải lao vào đám đông hỗn loạn ấy? Lợi chưa thấy đâu mà hại thì thấy ngay lập tức. Bao nhiêu người chết ngạt trong các sự kiện đông đúc đó rồi. Họ dẫm đạp lên nhau mà chết như vụ qua cầu lễ hội ở Cambodia mấy năm trước đấy thôi.

Có một lần cách đây khoảng gần 10 năm, có một vị Lạt Ma nổi tiếng ở Tây Tạng qua giảng Kinh ở chùa Long Hoa, Q3. Mình và 2 người bạn rủ nhau đi nghe. Khi đến nơi thấy dòng người vào chùa đông quá, mình đành chép miệng mà rằng: “Thôi, không thể vào trong được nữa, không còn chỗ cho mình nữa rồi..”. Thế rồi, khi tụi mình chẳng quan tâm được vào hay không nữa thì bỗng nhiên đám người cứ xô đẩy tụi mình đi. Rồi thế nào khiến mình bị đẩy vào ngồi ngay bên cạnh vị Lạt Ma ấy. Vị ấy còn quay sang mình tặng cho 1 cuốn sách, và lấy chính cuốn đấy để làm lễ, rồi đưa lại cho mình. Buồn cười không? Đôi khi người đến sau lại thành ra may mắn mà không thể biết trước được!

Từ bé mình đã được dạy phải phấn đất đạt kết quả cao nhất. Đến khi đi làm thuê cho tụi Mỹ cũng vẫn cái cách làm việc phấn đấu hết mình ấy để đạt kết quả tốt nhất. Và cuối cùng thì được gì? Mình ốm vì stress nặng phải nghỉ 1 tháng. Chỉ khi nằm trong căn phòng một mình ở HN được ba mẹ chăm sóc tận tình mình mới nghiệm ra rằng.. mình đã sai! Chính cô bạn vào sau mình, làm việc cứ tưng tửng, đúng giờ ra về thì làm ở công ty ấy lâu nhất, chả mấy khi bị stress vùi dập. Vậy thì số một là hiệu quả, hay hậu quả?

Mình thấy cách dậy dỗ của các trường XHCN thật sai lầm vì thường bắt trẻ con phải ganh đua, tranh giành với nhau từ tấm bé. Ở các nước phương Tây và ngay cả Nhật bây giờ họ không xếp thứ hạng cho tụi trẻ. Khi ra chơi họ chỉ cho tụi nhỏ cùng chạy về đích VỚI nhau, chứ không đưa ra hiệu lệnh đứa nào về nhất sẽ là xuất sắc nhất. Bởi vì khi ‘VỚI nhau’ chúng đều là bạn, còn khi đã xếp thứ 1,2, 3 chúng sẽ bị phân loại. Sẽ có đứa tự kiêu, có đứa tự ti. Trong khi thực tế mỗi đứa có một thể lực khác nhau, một năng lực hay khả năng khác nhau mà đứa kia không có. Vậy sao cứ phải là người số một khi đứa nào cũng có thể là số một ở một lĩnh vực nào đó?

Lại nói đến Tình Yêu (hehe), chả phải người đến đầu tiên (mối tình đầu) của bạn lại thường lại là.. không thành phải không? Người đến sau đâu có tệ, vì cuối cùng họ mới chính là người được bạn chọn. Bởi là duyên số hay nghiệp quả, hay là số phận thì sự thật vẫn chỉ có một ấy thôi!

Trong ABBA có bài hát rất nổi tiểng: ‘The winner takes it all” (Người thắng cuộc có tất cả) có câu: “The winner takes it all, the looser’s standing small..” có nghĩa là ‘Người chiến thắng thì có tất cả, còn kẻ thua cuộc thì trở nên nhỏ bé..’. Ngày trước mình rất thích bài này và gật gù tâm đắc với câu ấy lắm. Giờ đây khi tóc đã điểm bạc mình mới thấy nó.. sai! Sai ở chỗ người chiến thắng có chắc thực sự họ‘chiến thắng không’ và ‘kẻ thua cuộc' có thực sự là thua cuộc không? 

Để kết mình xin trích dẫn một câu rất thâm thuý của Lão Tử: "Ai vội vàng tiến lên phía trước đều không thể đi xa"Chúc cho tất cả chúng ta một buổi tối bình yên và hạnh phúc, không phải đôn đáo đi đâu, làm gì. Hạnh phúc chính là bình yên ấy thôi, phải không bạn hả?
BH 30/7/2016

3 nhận xét:

  • Unknown nói...

    Quan điểm này chưa đúng vì bạn Hoa là nữ . Đàn ông phải có quan điểm ngược lại , khi bạn lên đấu trường đấm bốc bạn ko muốn về nhì đâu nhé . Trong một cuộc thi chạy ko phải tất cả đều đến đích cùng một lúc nhá . Trong thể thao cũng như rất nhiều lĩnh vực khác không có chỗ cho sự bình bình . Nhất là trong quân sự khi đã về nhì , thua rùi , chết béng rùi thì làm sao mà tranh luận được tiến xa hay ko tiến xa . Tớ thì thấy câu này đúng nè : phàm những việc khó quyết trong cuộc đời , về nhà hỏi vợ sau đó hãy làm ngược lại ắt thành công . He he .

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB