Tâm Sự Thứ Bảy (156). Câu chuyện văn hoá

29 tháng 7, 2017 1 nhận xét
Một lần từ sb vào HN, vì vội mình đi chung taxi với một cô gái xinh xắn khoảng gần 30 tuổi. Từ lúc vào taxi cô ấy vừa uống lon tăng lực ừng ực, vừa ‘nấu cháo’ điện thoại một cách ầm ĩ khiến cả tài xế và mình phải lắng nghe câu chuyện của cô ấy một cách bất đắc đĩ. Rồi, rất vô tư cô ấy kéo cửa số xe và ném mạnh cái lon uống xong ra ngoài xe. Mình hết hồn nhìn theo. May mà không trúng ai, hay trúng chiếc xe nào. Còn cô ấy vẫn điềm nhiên 'tám' tiếp điện thoại và kéo cửa xe lên.

Hôm nay trong dòng người đang lũ lượt vào lối kiểm tra an ninh ở Nội Bài, một phụ nữ trung niên đi tiễn con và cháu cứ hét to từ vòng ngoài (cách khoảng 5-6 m) một các âu yếm: “Ui. Cười tươi nào. Thằng Tó. Ui, ghét quá. Thằng Tó. Nhìn Bà này, thằng Tó…”. Tiếng bà chao chat và khiến cả đoàn người phải quay lại nhìn vì volume của nó quá lớn, cộng thêm tiếng vỗ tay, tiếng hấm, hứ…. Âm lượng giống như tiếng loa buổi sáng ở HN làm giật mình người đang ngủ.

Lên máy bay ngồi chếch  chếch cô gái đó, nên mình có thời gian ngắm nghía kỹ hơn. Cô bé xinh xắn, khoảng hơn 20 tuổi, cậu con trai kháu khỉnh khoảng 7-8 tháng. Thằng bé nghịch ngợm cứ nhào lên nhào xuống trong lòng mẹ. Đang thiu thiu, bỗng mình giật nảy người vì tiếng hét: “Mày có ngồi yên không thì bảo nào”.  To đến mức 30 hàng ghế vẫn nghe rõ mồn một. Hoá ra cô bé ấy quát thằng con 7 tháng của mình (cứ như quát đứa trẻ vài tuổi biết nói, biết nghĩ rồi). May mà nó không khóc, chỉ nhìn mẹ lạ lẫm. Mà không chỉ một lần, suốt chuyến bay vài lần như vậy, khiến người nước ngoài cứ quay lại nhìn.

Lại nhớ vài năm trước trong một chuyến bay khác, vừa ngồi xuống chiếc ghế sát cửa sổ, mình cảm thấy cộm ở bên cạnh hông. Quay lại xem sao thì ‘đứng hình’ vì một cái chân trần sần sùi ngang nhiên thò thẳng lên ghế mình. Hoá ra là một thanh niên trông cũng không đến nỗi nào mà tự nhiên ‘như ruồi’, bất lịch sự, chẳng để ý đến không gian của người khác.

Chỉ vài chuyện nhỏ ở sân bay Nội Bài khiến mình không khỏi ngẫm đến hai từ ‘văn hoá ở VN. Hình như nó đã quá xa xỉ , nhất là với Người Hà Nội bây giờ. Hay Người Hà Nội bây giờ hầu hết là Người Hà 'Lội’ mất rồi  nên đâu còn giữ được mức lịch sự tối thiểu ở nơi công cộng? Họ điềm nhiên coi sân bay là nhà, hay khoang máy bay là phòng của mình, muốn nói, muốn cười, muốn vứt rác, mắng nhiếc con, nựng cháu cứ ầm ầm chẳng cần biết ai xung quanh, chẳng phải giữ phép tắc hay lịch sự gì cả. Giống kiểu ‘tôi thích thì tôi làm đấy, thì sao'?

Thế mới biết, việc ‘ngoài ngõ’ luôn bắt nguồn từ ‘trong nhà’. Sự thiếu giáo dục của một con người đến từ trong gia đình sản sinh ra những con người ấy. Gia đình thiếu văn hoá sẽ sản sinh ra con người thiếu văn hoá, và hậu quả là một xã hội thiếu văn hoá.  

Danh hiệu ‘Gia đình văn hoá’ cứ nhan nhản khắp nơi ở HN không hiểu tại sao cho đến giờ vẫn còn duy trì cái hư danh nực cười đó. Vì, người có văn hoá chẳng cần bằng cấp nào cho 'danh xưng’ này cả. Người có văn hoá luôn biết tôn trọng người khác và coi đó là bổn phận. Tôn trọng người khác chính là tự tôn trọng chính mình. 

Thực ra văn hoá cư xử xuất phát từ sự dạy dỗ trẻ từ khi còn nhỏ. Thường trẻ sẽ nhìn theo cách người lớn làm mà bắt chước. Việc cô gái quát to cũng là ‘học’ cách nựng cháu ầm ĩ của bà mẹ ở chốn đông người. Và rồi, chắc thằng bé cũng sẽ học cách đó mươi mười mấy năm sau. Thế mới biết ‘dạy con từ thủa bơ vơ..’ là lúc này đây, chả phải đợi đến khi nào, hay làm được gì to tát cả.

Ở đâu những người Hà Nội cũ 'đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên' đây? Rồi sẽ thấy mất mát thêm vài thế hệ nữa … 

(Viết trên máy bay 29/7/2017)

1 nhận xét:

  • Hà "Béo" nói...

    Phải nói là kinh khủng, càng ngày văn hoá công cộng, sân bay... càng xuống cấp, tháng trước hai mẹ con mình bay chuyến HN - Đà Nẵng mà luôn lắc đầu ngao ngán í, chán thật...

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB