Nhân có dịp Hoa Cỏ May ra cuối thơ đầu tiên, nàng ấy gặp
phải nhiều ‘xì xào’ đến độ trên FB vài fan hâm mộ phải vào cuộc bênh vực nàng ấy.
Mà có gì đâu, chỉ là bạn bè xì xào liệu có phải nàng ấy viết về cuộc đời và những
trăn trở của mình không?
Mình
cũng suy nghĩ và lên tiếng trên FB. Ngay ở đây nữa, mình cũng
muốn mọi người hiểu rằng: Thơ.. chỉ là thơ thôi! Hãy đọc và cảm nhận. Nếu thích
thì like k thích thì k like. Thế thôi. Người viết, sáng tác thơ cũng vui nếu bạn
thích thơ của họ, nhưng điều ấy không quan trọng bằng việc họ đã thổ lộ hộ ai đó được đôi điều. Nhờ có thơ đôi khi ai đó được giải toả và chính nhà thơ cũng được giải
toả qua việc sáng tác thơ.
Không
ít hơn vài lần HCM inbox cho mình hỏi về hoàn cảnh người này, người khác, hỏi mình
xem bài thơ họ nhờ làm có OK hay k trước khi gửi đi. Mình cũng hay cho ý kiến, và
hầu như là ủng hộ hoàn toàn. Vì theo mình một người đang đầy tâm tư, họ muốn nhờ
vả mình một việc để giúp họ khuây khoả, nếu chẳng mất gì mà giúp được ai thì
hãy giúp, nhất là giúp làm thơ, thật tinh tế chứ sao!
Nhưng
người đọc thì khác. Họ luôn xét nét từng câu chữ, rồi xét nét luôn ra cả cuộc đời người viết. Cũng bình thường thôi mà. Rồi vài ba người biết bạn
bên ngoài đời sẽ có thể có câu hỏi 'Có phải XYZ hay không?' HCM buồn phiền nói với
mình rằng: “Có lẽ tớ in thơ là sai?”.
Thực ra không ai có thể biết thế nào là sai, đúng. Bởi đúng với người này lại không đúng với
người khác và ngược lại. Việc của người viết là sáng tác, thế thì người viết cứ viết.
Còn việc của người đọc là đọc và cảm nhận thì hãy đọc và cảm nhận. Không nên quy chụp
cho người viết khi bạn chưa hiểu tường tận về hoàn cảnh của bài thơ đó ra sao.
Cuộc
sống của người viết thực ra rất khác với thơ. Đơn cử là ngày hôm qua, Mùng 8/3
mình post một bài của Ka, bạn ấy ở Đức. Bài thơ khá buồn cho ngày 8/3 về những
đớn đau, tan vỡ. Nhưng các bạn có biết cuộc sống thật của Ka không? Bạn ấy cực
kỳ hạnh phúc bên chồng và 2 con xinh đẹp. Mình gặp cả 2 vợ chồng và con của
bạn ấy ở Berlin 2 năm trước, thầm thấy gato với một cô nàng trẻ trung, điệu đà, phong cách, và
được chồng rất nâng niu.
HCM
cũng vậy, bạn ấy có một cuộc sống thật (bên ngoài những trang thơ) khá hạnh phúc. Đặc biệt bạn ấy rất yêu chồng mình và luôn chung thuỷ với anh ấy.
Mình gặp anh ấy rồi và cũng nghĩ thầm “ anh chồng này quả là một người đàn ông
may mắn”.
Vậy
nên mình viết ít dòng để trải lòng hộ HCM, cũng là nói hộ những người viết
thơ (trong đó có mình). Bởi, tâm hồn của nhà thơ mong manh dễ vỡ, dễ cảm. Chỉ một
áng mây trôi, một câu nói, một ánh mắt cũng có thể ra thơ rồi. Tuy không phải tất
cả thơ là ‘mượn ý của người’, nhưng rất rất nhiều bài thơ ra đời là nhờ vậy. Mượn,
hay dựa vào một cái gì đó để mà nhả ra câu chữ, áng thơ là bình thương. Khi những điều 'bên
ngoài' đó chạm được vào 'cái tâm bên trong' của nhà thơ khiến nhà thơ có xúc cảm mạnh
mẽ thì ngôn từ xuất hiện. Không chỉ thơ, mà cả ca, nhạc, hoạ cũng vậy.
Cũng
không thể nói là trong thơ không có gì là của nhà thơ cả. Có chứ. Vì, khi có xúc cảm, để diễn tả, nhà thơ phải như rơi vào hoàn cảnh đó để ‘nói hộ nỗi
niềm’. Đôi khi thực mà hư, hư mà thực là vậy.
Nhà
thơ có thể kể cho bạn nghe hoàn cảnh ra đời của mỗi bài thơ, những đứa con tinh
thần của họ. Hầu hết họ, những người viết thơ phải có những cảm xúc mạnh (khá mãnh liệt) mới có thể viết nên những bài thơ hay được. Mà như thế, cuộc
sống làm sao có đủ ‘chất’ để mà cứ ‘mãnh liệt’ mãi, để mà ‘xúc cảm dâng trào’ mãi được! Nếu mang cuộc sống bình thường của họ ra viết, chẳng nhàm chán lắm sao, ai sẽ đọc nó đây?
Thế
nên những nhà thơ chuyên nghiệp, nhà văn luôn phải đi thực tế. Bác ruột mình là
nhà văn trường viết văn Nguyễn Du (thầy của Trần Đăng Khoa, Lê Lựu..) ngày trước cũng phải đi ‘trại viết
văn’ suốt. Hồi nhỏ mình không hiểu tại sao bác lại phải ra ‘trại
viết văn’. Sau lớn lên mới hiểu để mà viết được những tiểu thuyết để đời, những áng thơ
bất hủ không phải dễ, đi để mà có cảm hứng viết, có chất liệu viết. Hoa Cỏ May may mắn có được nhiều người nhờ vả nên không cần phải đi, chỉ cần ngồi trước màn hình là có nhiều ý để viết thơ rồi.
Ngày
hôm qua, Ngon Món inbox chúc mừng 8/3 và nói với mình rằng’ viết thơ cũng mệt
thật, đôi khi gây nên hiểu lầm’. Cũng
đúng. Và đó là nghiệp của nhà thơ đấy. Mình
chỉ muốn nói với các nàng/chàng thơ rằng, thường các nhạc sĩ thì sống lâu mà nhà thơ
nhà văn thì hay chết sớm. Vậy nên viết thơ cũng mệt đấy, mất rất nhiều nơ-ron thần
kinh, chịu rất nhiều những lần 'tim đập loạn nhịp' nên khi nào có xúc cảm hãy viết. Còn không, hãy gác bút đi chơi cho khoẻ, đừng để những buồn phiền về mấy chuyện không đâu làm mất đi hứng thú viết thơ cho mọi người và cuộc đời, phải không bạn hả?
BH. 9/3/2017
BH. 9/3/2017
4 nhận xét:
Hoàn toàn đồng ý với Như Hải, sao mình cứ làm cuộc sống phức tạp thêm, mình cũng ước được như các "nàng thơ" í chứ mà ko đủ trình thôi... hi hi
Chân thành cảm ơn Bạch Hoa, người đã đồng hành với mình từ những ngày đầu tiên mình viết lại. Bạn cũng chính là người đặt tên nick này cho mình, luôn là người động viên tinh thần mình những khi mình gặp khó khăn. Bạn luôn là tri kỷ của mình trong thơ. Ngày hôm nay, bạn lại trải lòng giúp mình. Cảm ơn Hoa thật nhiều, cô bạn xinh đẹp và tốt bụng!
Nàng cứ yên tâm mà làm thơ nhé. Nhớ uống thêm thuốc bổ để viết nhiều thơ vào. hihi.
Các nàng thơ khóa mình viết rất hay, các chàng thơ cũng vậy... ngóng những bài viết của các bạn !!!
Đăng nhận xét