Dạy con những gì trường không dạy (2): Biết thua trước khi biết thắng

5 tháng 1, 2016 0 nhận xét

Sau các bài viết về việc không cho Xu Sim học trước học sớm của tôi, có hàng ngàn comment của các bạn lo lắng rằng nếu không dạy trước, dạy sớm như người ta thì con sẽ thua các bạn.
Thú thật là những ngày đầu vào lớp, khi Xu Sim không học trước như người ta, thì con thua các bạn thật, con cũng ngợp thật.
Nhưng có lẽ tôi bình tĩnh được khi một mình một đường, bình tĩnh được khi cô độc đứng bên lề các cuộc đua, vì ngay từ lúc mới bắt đầu làm mẹ tôi đã MAY MẮN BỊ THUA người khác suốt nhiều năm trong việc nuôi con còi.
Nhiều năm liền, Xu luôn thua tất cả mọi bạn bè cùng lứa về cân nặng, tôi luôn thua tất cả mọi bà mẹ về việc mát tay nuôi con.
Do đó, bây giờ, như đã được rèn trong lò, cả 3 mẹ con thấy việc bị chậm vài tháng về đọc và viết, không phải là chuyện khủng khiếp. Buồn thì về khóc với mẹ, ức thì về kể với mẹ. Mẹ đồng cảm, mẹ chia sẻ, mẹ bênh con về mặt cảm xúc, nhưng mẹ vẫn không phụ giúp việc học.
Thua thì có sao!
Tôi cho rằng cảm giác thua người khác là một cảm giác nhất thiết phải được nếm trải. Nếm sớm tốt sớm! Bởi vì làm sao, có ai, có đội tuyển nào, mà có thể suốt đời chỉ thắng và thắng?
Môn tôi cho con học thêm duy nhất suốt năm lớp 3 là thể thao. Một phần tôi muốn con có thể trạng tốt, còn phần quan trọng hơn, tôi cho rằng cái quý giá nhất ở thể thao là được làm quen với việc thắng rồi thua, thua rồi thắng, thắng thua là việc thường tình.
Làm ở HHT, chúng tôi được nghe hàng ngàn tâm sự của các học sinh, chúng tôi đã từng phải can ngăn những vụ đòi bỏ nhà đi bụi hay một kế hoạch tự tử vì bài thi thua điểm bạn bè. Tôi cũng đã gặp những người lớn, chỉ vì gặp một sai lầm mà tung hê tất cả những thứ tốt đẹp còn lại.
Thắng tất nhiên là tốt rồi. Nhưng học cách để chiến thắng và học cách bình tĩnh, giữ được mình trong lúc thua, đều quan trọng như nhau!
Vậy thì việc con thua các bạn không còn đáng lo nữa các mẹ nhé! 
Điểm thứ 2, nhiều bạn nói: Con biết chữ sớm, để con tiếp xúc với kho tàng tri thức sớm. Điều đó cũng tốt, nhưng chưa chắc đã là tốt hơn.
Có người bạn tôi dành hàng chục triệu để cho bé con 3 tuổi đi học Giáo dục sớm, rồi những phương pháp dạy đọc sớm bằng flashcard... Có thể cũng hay, nhưng quan điểm tôi khác. Nhớ hồi 5 tuổi, Sim vẫn chưa biết một chữ nào. Sim thấy mẹ và chị đọc truyện, nàng thèm thuồng tới mức tự đọc bằng cách nhìn vào tranh và bịa ra 1 câu truyện mới! Bạn có thấy điều đó hay hơn việc đọc thông viết thạo không? Tôi thì thấy có!
Trong những ngày đi tham quan các trường học ở Israel, tôi cũng luôn được các nhà Giáo dục Israel nhắc rằng: “Người thầy không phải là người truyền thụ tri thức!”. Thời đại internet, tri thức được tải xuống miễn phí từ bất kỳ đâu. (Bạn bè tôi, nhiều đứa ngày 20/11 còn đi cảm ơn Mr Google!)
Xu Sim học trường Albert Einstein, ông Einstein cũng đồng ý rằng: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức". Và tôi thấy, đôi khi, với trẻ con, tri thức lại ngăn cản trí tưởng tượng không chừng!
Tôi mới đọc được trên FB câu chuyện thực sự rung động.
Năm 1968, tại tiểu bang Nevada nước Mỹ, cô bé 3 tuổi tên là Edith, một hôm chỉ vào chữ cái đầu tiên của chữ “OPEN” trên chiếc hộp đựng quà trong nhà mình, và nói với mẹ rằng đó là chữ “O”. Mẹ của cô bé rất ngạc nhiên và hỏi vì sao mà cô bé lại biết được đó là chữ “O”. Edith nói với mẹ là cô giáo ở trường dạy...
Thật không ngờ là bà mẹ đã ngay lập tức viết một lá đơn khởi kiện trường mầm non nơi con bà học. Bà kiện trường mầm non đã tước đi khả năng tưởng tượng của Edith. Bởi vì khi chưa biết chữ “O”, con gái bà có thể nói “O” là mặt trời, là quả táo, là quả trứng gà… Nhưng sau khi trường mẫu giáo dạy cô bé nhận biết đó là chữ “O”, Edith đã bị mất khả năng tưởng tượng này, và bà đòi phí bồi thường tổn hại tinh thần cho cô bé là 1000 USD.
Bà mẹ nói: “Tôi đã từng đến một số đất nước Đông phương du lịch, một lần tôi ở trong một công viên, nhìn thấy hai con thiên nga, một con bị cắt bỏ một cánh bên trái được thả ở một cái hồ lớn; con kia thì còn nguyên vẹn không bị gì, được thả ở cái hồ nhỏ. Nhân viên quản lý ở đó nói rằng, như thế là để cho hai con thiên nga này không bay đi mất, con thiên nga bị mất một cánh bên trái không thể bay vì không giữ được thăng bằng, còn con kia vì thả ở hồ nhỏ nên không có đủ không gian để lấy đà bay. Lúc đó tôi vô cùng khiếp sợ, khiếp sợ sự thông minh của người phương Đông. Và tôi cũng cảm thấy rất bi ai. Hôm nay tôi kiện cho con gái tôi, vì tôi cảm thấy con gái tôi giống như con thiên nga đó ở trong nhà trẻ. Họ đã cắt đứt một cánh tưởng tượng của Edith, đã nhốt con bé trong cái ao nhỏ chỉ có 26 chữ cái quá sớm.
Edison cũng là bởi vì có trí tưởng tượng không thực tế, mới phát minh ra được bóng đèn điện; Newton là bởi có tư tưởng sáng tạo ra cái mới, mới phát hiện ra được lực hấp dẫn của Trái đất. Có thể khả năng tưởng tượng của Edith không phong phú, nhưng bạn không thể cướp đoạt quyền tưởng tượng của con bé, bởi vì một con thiên nga không có cánh thì vĩnh viễn không bay lên được". (Nguồn: Tinh Hoa)
Trong câu chuyện trên thì trường mầm non đã thua kiện.
Hôm nay, một số người đã thử tìm mà không thấy các dữ liệu về vụ kiện này lưu lại trên trang của bang Nevada. Cũng rất có thể bà mẹ Edith là tưởng tượng. Tuy nhiên tôi không thể không đồng tình với những lập luận của bà. Tôi cũng ao ước những quyền lợi của trẻ nhỏ tại trường học như trong câu chuyện:
1. Quyền được chơi;
2. Quyền được hỏi tại sao, cũng chính là quyền được sử dụng trí tưởng tượng.
Chúng ta đang bước qua năm 2016 rồi, kiến thức đâu còn là độc quyền bí mật của sư phụ rỉ tai cho một vài truyền nhân nữa? Máy móc làm việc đó một cách xuất sắc hơn chúng ta. Chỉ có tưởng tượng và sáng tạo là máy móc không làm được bằng con người.
Vậy thì, Đừng cắt đứt một cánh tưởng tượng của con, đừng nhốt thiên thần trong cái ao nhỏ chỉ có 26 chữ cái quá sớm, các mẹ ạ!
ST

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB