
Tranh thủ ra khỏi
văn phòng mình và con trai đến khu trường khiếm thị dành cho trẻ em mù Nguyễn
Đình Chiểu trên đường Nguyễn Chí Thanh ở Quận 10 để tham gia một trải nghiệm của
Nocturno, chương trình dành cho người sáng mắt thử làm người mù trong 1 tiếng đồng
hồ.
Mình được đeo 1 một
tấm băng bịt mắt để tối hoàn toàn như người mù. Thế rồi lần tay trên quả địa cầu để
tìm Việt Nam, rờ trên trang giấy để đọc chữ nổi (cách học của người mù, thông
qua những lỗ chấm li ti). Chữ cho người mù được viết bằng kim trên giấy cứng từ trái
qua phải, nhưng lúc đọc thì lật lại từ phải qua trái. Em bé hướng dẫn hỏi mình,
cô muốn em viết gì ạ? Mình nói: ‘Em hãy viết từ Nụ Cười nhé!’. Và rất nhanh, em
thao tác bằng kim chỉ trong vài giây, đục thủng 4 khuôn chữ theo ngôn ngữ Braille của người mù. ‘Nụ Cười’ đã được viết ra như vậy đấy các bạn ạ!
Thế rồi tụi mình bắt đầu cuộc hành trình bằng cách nắm tay nhau đi từng bước lên cầu thang, bước
vào 1 căn phòng bình thường trong bóng đêm. Bạn phải bỏ dép đặt lên giá, rồi đi tìm nước uống,
bàn ăn. Bạn trải nghiệm các đồ trong bếp, muối, gạo, hoa hồi, quế, rồi các dụng
cụ học tập, dụng cụ âm nhạc. Bạn trải nghiệm cả không gian, cả cảm giác lạnh, nóng, cảm giác người và vật, tiếng nói, âm thanh...
Con trai mình tìm được cây đàn Piano và thử chơi
trong bóng đêm. Một sự trải nghiệm thật lạ, nó nói vậy. Cũng không dễ dàng vì
có một số nốt bị đánh nhầm. Bản ‘Thư cho Eli’ được vang lên nhè nhẹ, nhè nhẹ....
Nhưng có lẽ đỉnh
cao nhất của buổi trải nghiệm là khi ngồi với đôi mắt bịt kín được cô bé Anh Thư khiếm thị chơi Chopin
Walzt Op.69 No.2. Trong bóng đêm, nước mắt mình tự nhiên tuôn rơi. Có lẽ vì tiếng đàn da diết quá. Cảm nhận âm nhạc
trong bóng tối khiến thấy rõ hơn nỗi lòng của người chơi đàn qua từng nốt, từng
nốt nhạc. Có lẽ vì mình chợt thấy mình quá may mắn trên cuộc đời này mà đã không biết
điều đó. Và có lẽ tự thấy nỗi buồn hay nỗi
đau phải trải qua không là gì so với sự mất mát lớn lao của bé.... Tiếng đàn ấy day dứt và dai dẳng theo mình mãi đến tận bây giờ.
Con trai mình bảo
sao mẹ có thể tìm được giầy, lại đi đúng chân, hay đoán được chai nước là
Aquafina thế? Mình cười. Đơn giản khi đó mình cảm thấy mình hoàn toàn là một người
mù như các bạn ấy. Khi không phản kháng lại hoàn cảnh có lẽ các giác quan khác trở
nên ‘nhậy bén’ hơn mà thôi.
Đồng hồ chỉ 19h. Mình rời khỏi ngôi trường ấy khi trời đã tối hẳn và đường phố đông đúc của SG vẫn ồn ào như mọi ngày, sau khi nói chuyện với bé Linda (con gái bạn
Linh Chi của mình), một trong những thủ lĩnh của chương trình. Cám ơn cháu đã cho mình và con trai một cơ hội đặc biệt để cảm thấy
cuộc sống thật gần gũi, thật đáng trân trọng với những tấm lòng và tâm hồn rộng
mở của những đứa trẻ xa Tổ Quốc như Linda, và những cháu bé khiếm thị của trường mù
Nguyễn Đình Chiểu.
Vài dòng chia sẻ cùng các
bạn với một mong muốn không gì khác rằng: mong các
bạn hãy yêu cuộc sống mà cuộc đời ban tặng, bạn nhé. Chúng ta có mặt ở cuộc đời
này một cách lành lặn đó là một ân huệ lớn lắm đấy, bạn à. Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn
nào hãy cố gắng vượt qua để sống một cuộc sống có ý nghĩa, bạn nhé.
Nice day to you,
all!
Admin. 12/8/2015
Anh Thư- cô bé chơi Piano (bên trái mình), Nhi - cô bé viết chữ Nụ Cười cho mình (áo xám) và Linda bên phải mình, cạnh David.
1 nhận xét:
Thế mới biết mình hạnh phúc hơn bao nhiêu người, vậy mà vừa đọc xong ý nghĩ mình ghen tỵ với nó vì nó được đi nhiều, trải nghiệm nhiều xuất hiện ngay trong đầu, mình rõ là xấu tính hi hi.....
Đăng nhận xét