Tâm sự Thứ Bảy (9): CUỘC ĐỜI THẬT LÀ NGẮN NGỦI?

25 tháng 2, 2012 3 nhận xét
Thực sự là như thế đấy các bạn ạ!
Nhiều người vì 'sợ' nó ngắn ngủi nên lao đi tìm và hưởng thụ những gì mình chưa có: nào tiền tài, nhà cửa, rồi 'bồ nhí', tay gấu, vây cá mập.. theo kiểu 'đời chỉ có thế, sao không hưởng thụ?' Thế nhưng càng 'có thêm' hay 'đạt được' thì nỗi sợ càng lớn, vì sợ không giữ được nó lâu bên mình, và cái ám ảnh lớn nhất đó là sợ già, sợ chết không hưởng thụ được gì!
Mà có ai không sợ già, sợ chết chứ nhỉ? Đã là cái thân giả tạm, sống khoảng vài chục năm này kiểu gì cũng già cũng chết mà, phải không các bạn? Cho dù mình chuẩn bị có kỹ đến đâu thì cái chết bao giờ cũng đến bất ngờ nhất, khiến mình trở tay không kịp. Thôi thì tập đương đầu với nó, nhìn rõ xem nó 'vuông tròn, hay méo mó' thế nào để có thể khi nó tới thì ta bình tĩnh và có thể cười mà nói với Thần Chết rằng: "Em đợi Thần lâu lắm rồi, sao giờ mới tới, chúng ta đi được chưa?". Được như thế, nhiều khi Thần Chết phải giật mình: "Ủa, ai cũng sợ ta, mà 'nó' lại không sợ ta là sao? Loại này mang đi lại gây thêm hậu quả cho ta. Thôi tránh nó sang một bên, xem lại sổ sách có nhầm lẫn gì không, lúc khác tới nó sau!".
Nói vui là thế, nhưng.. nghiêm túc thì cũng chỉ thế thôi! Mình cũng đã 'chết đi sống lại' vài lần từ bé tới giờ, và mình đã cảm nhận là... rất nhanh. Đùng một cái thì .. đi. Khi tỉnh lại thì chẳng nhớ gì, cũng chẳng kịp sợ gì! Chỉ có người thân xung quanh mới sợ cho mình. Cơ mà lúc đó thường là mình chẳng thể chuẩn bị kịp gì đâu các bạn ạ. Còn khi 'hồn' ra khỏi 'xác' thì sao ấy à, các bạn đọc cuốn " Bên Kia Cửa Tử' của Tây Tạng thì biết. Lúc đó 'nó' (chính là mình đích thực), tự do hoàn toàn, vi vu đến nơi nào mình muốn chỉ bằng một ý nghĩ.
Có câu chuyện vui như thế này:  Có hai ông bà, cụ ông bị tiểu đường rất lâu rồi, bị cụ bà bắt kiêng cữ đủ thứ. Rồi một ngày 2 cụ cũng lên thiên đường. Khi lên tới nơi cụ ông hỏi Thánh Pi tơ canh gác cổng Thiên Đường rằng: " Thế ở trên này có phải kiêng gì không?".  Thánh Pi tơ nói: "Ở đây cái gì cũng có, không cần kiêng gì, muốn ăn gì cũng được". Thế là cụ ông quay ra mắng cụ bà: "Biết sướng thế này thì tôi đi cho sớm, tại bà cứ giữ tôi lại ở dưới, bắt kiêng đủ thứ!"
Thường con người hay bám chấp vào cuộc sống vô thường này, muốn giữ lại những gì mình cho là sung sướng, hạnh phúc và loại bỏ những gì mình cho là 'xấu' là 'khổ'.. thế nên khổ lại chồng chất thêm vì sự 'bất toại nguyện', không biết rằng khổ đau cũng là mặt kia của hạnh phúc và sau khi chết một cuộc sống mới lại được bắt đầu!
Mà thôi, chuyện chỉ có thế, nghĩa là hãy ung dung để thấy mọi sự đến đi vô thường, đừng 'bi kịch hoá' chúng một cách quá mức nhé, vì giống như Kiên nói, nhìn xuống thì còn biết bao người 'khổ' hơn mình. Khi hiểu cuộc sống tuy ngắn ngủi nhưng là những bài học để mình giác ngộ chân lý thì cho dù là 'bà vợ chua ngoa' hay 'ông sếp đáng ghét', cho dù là 'bệnh tật đớn đau' hay 'đứa con ngỗ nghịch'.. thì chúng ta vẫn luôn biết cách vượt qua vì đó chính là các 'vị Phật' hay 'Bồ Tát' đến để dậy ta vượt qua nghịch cảnh mà thôi. Ta hãy cám ơn họ, và nhất là đừng có cho khổ đau có chỗ trong tâm trí của ta nhé!

Đón hè sang ta hóa thành hoa nắng
Khi đông về ta là hạt mưa rơi
Giữa mùa xuân ta dệt màn sương trắng
Chợt thu về ta theo gió rong chơi (TVM)

 (Ảnh mình mới chụp ở Cần Giờ hôm qua 24/2/2012, bình an phải không? )

3 nhận xét:

  • lungbotay nói...

    Kiểu này về mắng vợ rồi , mình cũng bị tiểu đường típ 2 . Mớii phát hiện năm ngoái , kiêng cữ đến khổ , từ nay cóc thèm kiêng nữa .Mình cứ hay so sánh đất nước này 80 triệu dân chắc mình nằm trong khoảng 10 triệu ở trên hơn hẳn 70 triệu ở dưới còn buồn gì nữa . Còn tiểu đường chắc hạnh phúc hơn ung thư mà

  • Như Hải nói...

    Mẹ chồng mình là tiến sĩ bác sĩ chuyên trị tim mạch và tiểu đường. Mình cũng hay trợ giúp bà nên biết nhiều về bệnh này. Bây giờ cứ 5 người là có 1 người bị. Sống chung với lũ thôi, nhưng.. vẫn phải kiêng Kiên ạ, ăn ít bột, cơm, tốt nhất là bạn thay gạo trắng bằng gạo lức nhé, ăn nhiều rau, k ăn đường và bánh ngọt. Để mình post lên bài chữa tiểu đường cho Kiên.

Đăng nhận xét

 

©Copyright 2011 Thời đi học | TNB